Flash là một loại bộ nhớ không cần nguồn điện để duy trì dữ liệu với tốc độ đọc ghi nhanh chóng, bộ nhớ flash cũng có khả năng xóa đi và ghi lại dữ liệu mới, đây là loại bộ nhớ vô cùng phổ biến hiện nay.
Tên gọi flash dường như được lấy ý tưởng từ chính đèn flash – ý muốn chỉ tốc độ rất nhanh của loại bộ nhớ này. Ở thời sơ khai những năm 80 của thế kỷ trước, bộ nhớ flash chỉ có thể xóa hết và ghi lại. Sau này bộ nhớ flash có thể xóa hoặc ghi dữ liệu vào mỗi ô bộ nhớ bất kỳ.
Vậy chính xác thì bộ nhớ flash là gì?
Như các bạn cũng đã biết, tất cả dữ liệu, từ hình ảnh, câu chữ đều được mã hóa dưới dạng nhị phân 0 và 1 để máy tính có thể xử lý. Việc lưu trữ dữ liệu cũng được lưu thông tin dưới dạng nhị phân.
Trong khi ổ cứng cơ (HDD) sẽ ghi bằng các đĩa từ thì bộ nhớ flash lại lưu trong các ô (cell) bộ nhớ. Bộ nhớ flash có thể ghi, xóa nhiều lần và không cần duy trì nguồn điện để lưu trữ dữ liệu.
Có những loại bộ nhớ flash nào?
Hiện tại có hai loại bộ nhớ flash là NAND và NOR. Trong thực tế bạn sẽ thấy flash NAND nhiều hơn, đây là thành phần lưu trữ trên thẻ nhớ, USB, ổ cứng SSD hay cả chip nhớ trong điện thoại.
Ưu điểm của flash NAND là chi phí thấp, cân bằng được tốc độ đọc, xóa và ghi. Tuy nhiên nhược điểm của flash NAND là tốc độ đọc không cao như NOR, dữ liệu trong NAND cần phải được đánh dấu địa chỉ để có thể truy cập.
Trong khi đó NOR cho tốc độ đọc cao hơn, dữ liệu trong flash NOR có thể đọc ngẫu nhiên ở mức độ byte. Nhưng đổi lại chi phí sản xuất flash NOR cao hơn, tốc độ xóa và ghi dữ liệu chậm hơn.
Vì những ưu và nhược điểm đó, NOR thường được dùng để lưu trữ các chương trình, phần mềm cơ sở, đây là nơi thường được nhà sản xuất nạp các hệ điều hành hoặc chương trình sẵn chứ không cần xóa hay ghi mới trong quá trình người dùng sử dụng. Nhờ tốc độ đọc cao cũng như khả năng truy cập ngẫu nhiên tốt hơn, NOR sẽ giúp giảm độ trễ.
Còn NAND hiện được sử dụng khá phổ biến cho những thiết bị cần được xóa, ghi và cả đọc thường xuyên. Ví dụ SSD cho máy tính, chip nhớ cho điện thoại, USB, thẻ nhớ…
Các loại flash NAND phổ biến hiện nay
Flash NAND cơ bản là SLC (single-level cell) tức là chỉ có thể lưu một bit dữ liệu trong một ô nhớ. Đây là loại bộ nhớ tốc độ cao, ổn định và mắc nhất trong các loại flash NAND phổ biến hiện nay. Chỉ có một vài dòng SSD cao cấp dành cho doanh nghiệp mới sử dụng SSD SLC mà thôi.
Tương tự chúng ta có MLC (multi-level cell) và TLC (triple-level cell) và mới đây là QLC (quad-level cell) với khả năng lưu trữ lớn hơn, giá thành rẻ hơn nhưng đổi lại độ bền, tính ổn định cũng giảm dần. Hiện tại SSD phổ biến nhất thường sử dụng TLC.
Hiện tại, để tăng dung lượng cho thẻ nhớ, chip nhớ hay SSD, các nhà sản xuất còn giới thiệu công nghệ gọi là 3D NAND, tức xếp chồng rất nhiều lớp, có thể là 64, 128… lớp chồng lên nhau. Nhờ đó mà hiện tại có những chip nhớ nhỏ hơn một chiếc đồng xu nhưng lưu trữ được cả TB dữ liệu.