Camera nhỏ nhất thế giới chỉ có kích cỡ bằng “hạt cơm tấm”, quay video 200 X 200PX 30 FPS. Đây là sản phẩm của công ty chuyên về các giải pháp quang học số OmniVision Technologies tại California. Sản phẩm ra đời mang đến những thành tựu đặc biệt quan trọng, nhất là trong y học.
Camera nhỏ nhất thế giới có tên OV6948
Camera nhỏ nhất thế giới là một bộ cảm biến hình ảnh siêu nhỏ và đã đạt được giải Guinness năm 2019 về mảng “Thiết bị cảm biến hình ảnh dành cho thương mại nhỏ nhất”. Theo OmniVision thì bộ cảm biến có tên OV6948 này được thiết kế để sử dụng trong quá trình đặt ống thông và nội soi trong cơ thể, giúp thu nhỏ tới mức tối đa kích thước của ống mà vẫn đem lại hình ảnh chất lượng cao cho bác sỹ.
Loại camera này có kích cỡ chỉ 0.575 mm x 0.575 mm x 0.232 mm. Lý giải cho việc tập trung phát triển 1 thiết bị nhỏ đến vậy, OmniVision cho biết họ đã nghiên cứu và dự tính trong vòng 5 năm tới số sản phẩm có liên quan đến các dạng ống nội soi sẽ tăng lên hơn 35% so với hiện tại. Và theo yêu cầu mới của FDA về việc thắt chặt quản lý chống nhiễm trùng bởi việc vệ sinh ống soi không đúng cách thì bắt buộc tất cả các nhà sản xuất phải tìm cách làm ra các sản phẩm nhỏ gọn hơn, dễ vệ sinh và bảo trì hơn, ống kính quang học tốt hơn tất nhiên không thể thiếu yếu tố giá tốt hơn nữa. Chính vì vậy mà OV6948 ra đời đáp ứng tất cả các nhu cầu đó.
Ưu điểm nổi bật của OV6948
Camera nhỏ nhất thế giới OV6948 này có ưu điểm là có độ phân giải 200 x 200 pixels và thu hình ở mức 30 khung hình 1 giây, có khả năng làm việc trong điều kiện ánh sáng rất kém là 1000 mV/lux-sec mà vẫn đem lại hình ảnh rõ nét. Nó còn có góc nhìn rộng đến 120 độ và khả năng truyền tín hiệu đến hơn 4m từ trong cơ thể ra ngoài. Việc tiêu thụ năng lượng cũng ở mức thấp, chỉ ở mức 23mW, vậy nên sẽ không có cảm giác “nóng máy” khi ở trong cơ thể bệnh nhân.
Với bộ cảm biến nhỏ như vậy việc chui qua các mạch máu nhỏ hẹp nhất để phục vụ kiểm tra nhiều dạng bệnh khác nhau như về thần kin, tai mũi họng, tiết niệu, cột sống, nội soi khớp… đều có thể tiến hành dễ dàng. Ngoài ý định phục vụ cho mục đích y học, OmniVision cũng dự kiến mời chào công nghệ này ở các ngành nghề khác nơi việc tiếp cận về mặt không gian rất hạn chế như sửa chữa các chi tiết công nghiệp nhỏ.