Chúng ta đã nghe cái tên “Microsoft Windows” hàng triệu lần trong đời, nhưng làm thế nào mà hệ điều hành của Microsoft lại có cái tên đó? Tại sao nó không được đặt theo tên của một thứ khác – như “Microsoft Doors” (cửa) hay “Microsoft Ceilings” (trần nhà) chẳng hạn. Sau đây là lời giải thích:
Trình quản lý giao diện Interface Manager
Năm 1981, Microsoft bắt đầu phát triển những cấu trúc thô sơ của thứ mà sau này trở thành các “cửa sổ” hay “Windows”. Ban đầu được gọi là Interface Manager, nó sẽ thêm một lớp phủ đồ hoạ vào MS-DOS, cho phép điều khiển chương trình một cách trực quan bằng chuột (thay vì gõ lệnh bằng bàn phím). Nó cũng cho phép thực hiện đa nhiệm bằng cách hiển thị đồng thời các ứng dụng khác nhau trong các “box” được đặt ở các vùng khác nhau của màn hình – một khái niệm tiên phong tại Xerox PARC với các máy tính Alto và Star rồi sau đó được cải tiến lại tại Apple.
Trong ngành công nghiệp máy tính vào thời điểm đó, các box chương trình hiện đồng thời trên màn hình này được gọi là “Windows” và phần mềm quản lý chúng thường được gọi là “windowing systems” hay “hệ thống cửa sổ”. Vào đầu những năm 1980, nhiều nhà cung cấp đã phát triển hệ thống cửa sổ của riêng mình cho PC: bao gồm IBM với TopView, Digital Research với GEM và VisiCorp với Visi on. Interface Manager của Microsoft sẽ là một trong số rất nhiều giải pháp như vậy khi nó được ra mắt vài năm sau đó, và Microsoft biết điều này.
Bước vào thế giới “Windows”
Năm 1982, Microsoft thuê một Phó Chủ tịch Tiếp thị mới tên là Rowland Hanson, người từng là một nhân vật kỳ cựu trong ngành mỹ phẩm. Hanson đã mang đến một góc nhìn mới để xác định thương hiệu của Microsoft: bằng cách đặt chữ “Microsoft” trước rồi đi kèm với một từ chung chung hoặc đơn giản sau đó, chẳng hạn như Microsoft Word và Microsoft Excel.
Trong khi nghiên cứu một cái tên mới cho Interface Manager, Hanson đã xem xét các bài báo nói về làn sóng hệ thống đa nhiệm PC lúc đó và nhận ra điểm chung của chúng. Ông nhận thấy thuật ngữ “Window” được sử dụng rất nhiều trong ngữ cảnh của các thuật ngữ như “windowing system” và “windowing manager”, vì vậy ông đã chốt “Windows” như một thuật ngữ chung sẽ giúp Microsoft bao phủ hết toàn bộ danh mục sản phẩm. Từ đó trở đi, mỗi khi ai đó đề cập đến hệ thống cửa sổ “windowing systems” thì họ cũng sẽ quảng cáo luôn thương hiệu “Windows”.
Theo cuốn sách Barbarians Led by Bill Gates, các nhà phát triển của Interface Manger đã rất “thận trọng” trong việc chuyển đổi tên này thành Windows nhưng cuối cùng Bill Gates cũng đã quyết định làm như vậy. Khi Gates đồng ý, các nhà phát triển đã lập tức hưởng ứng – và Microsoft Windows ra đời.
Di sản “Windows”
Microsoft đã công bố Microsoft Windows vào ngày 10 tháng 11 năm 1983 – trước khi sản phẩm sẵn sàng xuất xưởng – như một nỗ lực nhằm thu hút các nhà cung cấp phần cứng và phần mềm sẵn sàng với thứ mà Microsoft gọi là “môi trường hoạt động” (operating enviroment). Và mọi thứ đã diễn ra như mong đợi dù một số đối thủ cạnh tranh đã làm việc trên hệ thống cửa sổ PC vào đầu những năm 1980 trước đó.
Khi Windows 1.01 ra mắt vào năm 1985, nó không phải là một sản phẩm đột phá nhưng từ đó đã phát triển theo thời gian từ hệ điều hành MS-DOS thành hệ điều hành độc lập, rồi sau đó trở thành thương hiệu khổng lồ mà chúng ta đều biết đến ngày nay. Windows giờ là một ngành kinh doanh trị giá hàng tỉ USD, và miễn vẫn có hàng tỉ USD gắn liền với cái tên “Windows” thì Microsoft có thể sẽ tiếp tục sử dụng nó trong nhiều năm tới nữa.
Xem thêm: