Tính tới thời điểm hiện tại đã hơn 35 năm trôi qua kể từ thời điểm Microsoft cho ra mắt “Hệ điều hành Windows”: thứ làm thay đổi toàn bộ bộ mặt của ngành công nghiệp máy tính. Tính đến thời điểm hiện tại có ít nhất 30 phiên bản chính thức của Windows được phát hành. Mỗi phiên bản đều để lại những dấu ấn riêng với người sử dụng. Biettuot.info sẽ liệt kê 10 phiên bản Windows được người sử dụng đánh giá cao nhất tính đến thời điểm hiện tại
Mục Lục
Tiêu chí đánh giá
Để có thể đánh giá hệ điều hành Windows, chúng ta sẽ xem xét dựa trên 3 yếu tố: Những cải tiến, độ thân thiện với người dùng và mức độ ảnh hưởng của nó đối với ngành công nghiệp.
Còn nếu xét trên khía cạnh “tốt nhất” thì chúng ta lại phải xem xét trên các khía cạnh khác như: nhiều tính năng nhất, ít lỗi nhất và bảo mật toàn diện nhất.
Danh sách này sẽ chỉ xem xét đến các phiên bản desktop của Windows. Các hệ điều hành di động như Windows CE, Windows Phone, Windows Mobile 10 và Windows RT, hay các phiên bản máy chủ của Windows như Windows Server 2003 sẽ không nằm trong phạm vi đánh giá.
#10: Windows 3.0 (1990)
Windows 3.0 chính là phiên bản đánh dấu sự hợp nhất của các dòng sản phẩm Windows 2.x (Windows 2.03, Windows/286, Windows/386, v.v.) thành một hệ điều hành thống nhất, hoạt động ổn định trên các máy từ 8088 tốc độ thấp đến các máy có CPU 386. Nó cũng bao gồm một giao diện đồ họa mới tuyệt đẹp(so với thời điểm hiện tại) với hiệu ứng bóng mờ 3D và một bộ biểu tượng được thiết kế bởi nhà thiết kế đồ họa huyền thoại Susan Kare không thể hoàn hảo hơn.
Đây đồng thời đi kèm với phiên bản này cũng đánh dấu sự ra đời của tựa game nổi tiếng Solitaire.
#9: Windows 8 (2012)
Thay đổi chưa bao giờ là điều dễ dàng, và Windows 8 đã hoàn toàn rời bỏ những yếu tố mang tính truyền thống của Windows. Ban đầu, Windows 8 mang lại tương đối sự rắc rối và khó chịu với người dùng trong việc thích nghi và sử dụng. Thế nhưng, bất chấp những đánh giá phê bình gay gắt, không thể phủ nhận Windows 8 là phiên bản Windows sáng tạo nhất kể từ thời điểm Windows 95 ra đời. Microsoft đã cho thấy họ dám đối đầu sòng phẳng với sự xâm lấn của các thiết bị di động dựa trên cảm hứng từ những chiếc máy tính bảng. Kết quả, Windows 8 cho người dùng trải nghiệm giao diện giống như sự kết hợp của một chiếc máy tính bảng và máy tính để bàn.
Điều đáng buồn là Windows 8 đã không đem lại được trải nghiệm thực sự tuyệt vời cho người dùng máy tính để bàn. Microsoft ban đầu là lược bỏ đi nút Start “thần thánh” của mình nhưng đang nhanh chóng tích hợp lại trong phiên bản 8.1
Nhìn chung về cơ bản, Windows 8 có thể được coi là một sự kế thừa thất bại của Windows 7, với rất nhiều cải tiến bảo mật bị bỏ qua. Tuy nhiên, Windows 8 lại được đánh giá cao về sử đổi mới và là nền tảng chính cho các hệ điều hành sau này của Microsoft.
#8: Windows NT 4.0 (1996)
Nếu bạn lấy sự ổn định của nhân Windows NT 32-bit và bổ sung thêm giao diện thân thiện với người dùng của Windows 95 lên trên, bạn có Windows NT 4.0. Sự ổn định tuyệt vời của Windows NT 4.0 (sau một số bản vá lỗi) đã khiến nó trở thành hệ điều hành học tập và kinh doanh phổ biến nhất của Microsoft trong nhiều năm. Và những người dùng NT4 chuyên dụng đã phải miễn cưỡng nâng cấp hệ điều hành vào cuối năm 2003.
Trên thực tế, nếu bạn sẵn sàng bỏ qua các tiện ích giao diện hiện đại và các bản cập nhật bảo mật, bạn vẫn có thể chạy Windows NT 4 cho một số tác vụ ngày nay. Nói như vậy để thấy được sự ổn định đáng kinh ngạc của phiên bản Windows này.
#7: Windows for Workgroups 3.11 (1993)
Windows for Workgroups mang trên mình đầy đủ những khía cạnh tuyệt vời nhất của Windows 3.11 phổ biến của năm 1992 — hỗ trợ phông chữ TrueType, hỗ trợ đa phương tiện, nhúng tài liệu với OLE, Minesweeper và nhiều tính năng khác. Đặc biệt phải kể tới khả năng hỗ trợ mạng gốc, biến nó trở thành phiên bản Windows dành cho người tiêu dùng và doanh nghiệp mạnh mẽ nhất cho đến khi Windows 95 ra đời.
#6: Windows 98 SE (1999)
Windows 98 kế thừa những cải tiến được giới thiệu trong Windows 95 và được bổ sung một giao diện mới mẻ, hiện đại với tính linh hoạt cao hơn, trong khi vẫn đảm bảo tạo ra được một thế giới MS-DOS 16 bit ổn định. Trong một khoảng thời gian dài, không có hệ điều hành chơi game PC nào tốt hơn Windows 98. Hệ điều hành này cũng sở hữu khả năng hỗ trợ tuyệt vời đối với các trò chơi DOS và những tựa game dựa trên DirectX.
Bản phát hành “Second Edition” vào năm 1999 đã bổ sung một số cải tiến (bao gồm khả năng hỗ trợ USB tốt hơn) khiến nhiều người vẫn tiếp tục sử dụng phiên bản 98 cho đến khi Windows XP ra đời — bỏ qua Windows Me. Thật không may, trong một số thời điểm, Windows 98 tỏ ra cực kỳ không ổn định, nhưng điều đó không thể ngăn nó trở thành một phiên bản Windows phổ biến trên toàn thế giới.
#5: Windows 10 (2015)
Windows 10 có một sự khởi đầu không mấy suôn sẻ với những chỉ trích nặng nề từ cả giới báo chí lẫn cộng đồng người dùng về các vấn đề xâm phạm sự riêng tư, quảng cáo tích hợp và các bản cập nhật ép buộc làm gián đoạn công việc của mọi người. Nhưng trước sự quyết tâm và thái độ cầu thị của Microsoft, toàn bộ những lo ngại đó đã dần được giải quyết theo thời gian và Windows 10 tiếp tục được cập nhật với một lộ trình ổn định trong hơn 5 năm qua.
Ngày nay, Windows 10 là một hệ điều hành trưởng thành, ổn định, nhiều tính năng hữu ích và rất phổ biến với hơn một tỷ người dùng, trở thành phiên bản Windows được sử dụng phổ biến nhất thế giới. Được mệnh danh là “phiên bản cuối cùng của Windows”, chúng ta có thể mong đợi Windows 10 sẽ tiếp tục phát triển và hoàn thiện theo thời gian, trở nên hoàn hảo hơn và khiến cả thế giới phải thay đổi theo nó.
#4: Windows XP (2001)
Ngay cả khi bạn là người thực sự khó tính, đến mức không thích kiểu họa tiết xanh lục và xanh lam trong giao diện mặc định của XP, có một điều kỳ diệu về phiên bản Windows này mà bạn buộc phải thừa nhận: Sự ổn định. Với XP, lần đầu tiên nhiều người dùng PC đã có thể thoát khỏi thế giới MS-DOS kém ổn định của Windows 98 và Me.
Đồng thời, người dùng cũng đã được thưởng thức công nghệ Windows NT vững chắc, vì những chiếc PC lúc bấy giờ đã trở nên đủ mạnh mẽ để chạy tốt nó. Windows XP đã được nhiều người ưa chuộng và tin dùng trong một khoảng thời gian rất rất dài, cho đến khi họ buộc phải nâng cấp.
#3: Windows 2000 (2000)
Windows 2000 là một kiệt tác đã bị đánh giá thấp — hương vị của một phiên bản Windows ổn định và trưởng thành hơn, mang lại cảm giác đi trước thời đại cho những người dùng đầu tiên. Là một phiên bản “chuyên nghiệp” của Windows, nó đã không nhận được phạm vi phủ sóng rộng rãi cần phải có như phiên bản Windows Me dành cho người dùng cá nhân.
Windows 2000 sở hữu mọi thứ mà người dùng cần vào thời điểm đó, và nó mang lại sự ổn định tuyệt vời. Đây là những yếu tố đã truyền cảm hứng cho lòng trung thành mãnh liệt của người dùng đối với một phiên bản Windows. Một số người dùng Windows 2000 đã không nâng cấp hệ thống của mình cho đến khi Windows 7 ra mắt vào năm 2009.
#2: Windows 95 (1995)
Đối với nhiều người dùng PC, sự ra đời của Windows 95 là cột mốc đánh dấu sự chuyển dịch khi Windows từ vị thế “một sản phẩm phần mềm của Microsoft” để trở thành “hệ điều hành phải có trên máy tính bàn”. Với giao diện đẹp mắt và dễ sử dụng, bao gồm menu Start và thanh tác vụ sáng tạo – lần đầu tiên được đánh giá là đã vượt qua Macintosh OS về khả năng sử dụng.
Windows 95 cũng đã giới thiệu nhiều tiêu chuẩn, icon trên Windows mà ngày nay chúng ta coi là đương nhiên, chẳng hạn như File Explorer, phím tắt Windows, Thùng rác, phím tắt tệp, màn hình nền hiện đại và hơn thế nữa. Nó là nguyên mẫu tiêu chuẩn của Windows. Nhiều người nói đùa, bất cứ ai đang sử dụng hệ điều hành Window, bất kỳ ở phiên bản nào đều có thể sử dụng Win 95 một cách dễ dàng.
#1: Windows 7 (2009)
Vào thời điểm phát hành, Windows 7 chính là nhân tố đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của Microsoft sau “sự cố ngoài ý muốn” Windows Vista, vốn đã bị chỉ trích nặng nề vì cách tiếp cận mới đối với bảo mật (UAC), các lỗ hổng, lỗi tương thích, ngốn tài nguyên máy và sự hào nhoáng “vô dụng”.
Ngược lại, Windows 7 ổn định hơn rất nhiều so với Vista, chạy nhanh hơn đáng kể trên cùng một cấu hình phần cứng, giảm thiểu các vấn đề về UAC và sở hữu giao diện Aero được tinh chỉnh để trở nên hữu dụng hơn (người dùng thậm chí có thể tắt nó đi nếu cần). Đồng thời, Windows 7 vẫn giữ được một số cải tiến của Vista (như tìm kiếm trong menu Start) trong khi được bổ sung thêm các cải tiến khác (như tính năng ghim biểu tượng vào thanh tác vụ).
Tuy nhiên, phần lớn trong những khía cạnh làm nên sự tuyệt vời của Windows 7 thì người dùng lại không thấy xuất hiện trên Windows 10. Windows 7 không có trò chơi gói trong freemium, không có quảng cáo trên menu Start và không có áp lực phải liên kết tài khoản của bạn với đám mây và đặc biệt, bạn có thể thoải mái cập nhật ở thời điểm thích hợp.
Windows 7 mang tới cho người dùng trải nghiệm làm chủ hoàn toàn máy tính của mình, chứ không phải của Microsoft như Windows 10. Theo một cách nào đó, đây có thể được coi là bước nhảy vọt cuối cùng của kỷ nguyên phi phần mềm-như-một-dịch vụ (non-software-as-a-service era) mà nhiều người vẫn đang khao khát níu lấy bất chấp bối cảnh công nghệ đang thay đổi xung quanh chúng ta.