Ở mỗi gia đình từ xưa đến nay, 2 từ “đánh chừa” không còn xa lạ và thậm chí có thể xuất hiện thường xuyên mỗi ngày. Với những gia đình có em bé thì cụm từ này lại càng trở nê quen thuộc. Mỗi lần con/cháu ngã đau thì bố mẹ/ông bà lại sẵn sàng sử dụng những câu như “Đánh chừa cái ghế đã làm con ngã đau này”, “Đánh chừa anh đã lấy đồ chơi của em này”, “Đánh chừa con ngáo ộp đã làm con sợ này”…Đây là những cụm từ không ít gặp để giải quyết các vấn đề của con một cách nhanh nhất thay cho những lời giải thích dài dòng và sự kiên nhẫn của người lớn dành cho đứa trẻ. Vậy những cái “đánh chừa” của người lớn như vậy có thực sự tốt không? Ảnh hưởng của nó đến với đứa trẻ như thế nào?
Mục Lục
Khái niệm mông lung của cụm từ “đánh chừa”
Trên thực tế rằng “đánh chừa” là một khái niệm đổ lỗi rất mông lung và không rõ ràng mà mọi bố mẹ đều nhìn nhận thấy. “Đánh chừa” là phủ nhận toàn bộ trách nhiệm dù không biết rõ đúng sai, nên hay không nên về hành vi và thái độ của trẻ. Trẻ em giống như một tờ giấy trắng, và chúng đang học hỏi mọi thứ để hoàn thiện nhân cách thông qua từng hoạt động, cử chỉ, lời nói của người lớn trong cuộc sống hàng ngày. Việc dạy con ‘’đánh chừa” vô hình đã cho con bài học về đổ lỗi cho hoàn cảnh xung quanh, cho người khác và không nhận ra hành vi sai trái cũng như trách nhiệm của bản thân mình.
Tại sao người lớn lại hay nói ‘đánh chừa” với trẻ nhỏ?
“Đánh chừa” là câu nói giải quyết tình huống một cách nhanh nhất, không muốn con khóc, không muốn con tiếp tục mè nheo nên sẽ tìm cách đổ lỗi mà người lớn chọn. Đúng vậy, chỉ cần nói “đánh chừa này” thì trẻ sẽ nhanh nín hơn hẳn. Đây là một thực tế về bản chất con người, đó là không thích sai và thích nhận được sự đồng tình từ người khác. Bởi vì bộ não thích sự hài lòng, muốn có cảm giác tốt hơn và đổ lỗi chính là cách mang lại sự hài lòng tức thời cho bộ não.
Ngay cả bản thân người lớn chúng ta cũng vậy, khi bạn bị vấp ngã vào một vết nứt trên vỉa hè, bạn có thể quay lại nhìn vết nứt và lẩm nhẩm trách móc chúng – điều này có thể làm giảm bớt sự căng thẳng và giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Đôi khi trẻ đổ lỗi vì sợ bị mắng, sợ bị chê cười, hay đôi khi bướng bỉnh không muốn nhận sai lầm của mình. Vì vậy sẽ đổ lỗi.
Rất nhiều lần người lớn khi trẻ còn nhỏ thì dạy “đánh chừa”, hay tìm những lý do đổ lỗi tương tự nhưng khi trẻ lớn lên bướng bỉnh, không chịu nhận lỗi khi làm sai thì lại dạy dỗ bằng đòn roi. Điều quan trọng nhất mà cả trẻ em và người lớn cần nhìn ra đó là nguyên nhân và trách nhiệm của bản thân đối với các hành vi của mình.
“Đánh chừa” ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của trẻ nhỏ?
Hậu quả của việc dạy trẻ đánh chừa và đổ lỗi có thể nói là khá lớn.
Dạy trẻ “đánh chừa” – dạy trẻ đổ lỗi
Nếu người lớn sử dụng cách này để dạy trẻ, đồng nghĩa với việc bạn cho phép trẻ đổ lỗi. Cho phép đổ lỗi đồng nghĩa với việc để đánh mất những bài học quan trọng của cuộc đời, mà một trong những bài học đắt giá nhất đó chính là bài học về nguyên nhân – kết quả. Trẻ cần học vì lợi ích của chính bản thân, rằng nó rất quan trọng để chịu trách nhiệm cho hành động của mình, để rút được kinh nghiệm với các trường hợp sau này. Ngoài ra, việc liên tục đổ lỗi đánh mất đi bài học nhìn nhận bản thân, bài học về sự khiêm tốn và lời nói xin lỗi nữa.
Đơn giản khi trẻ bị vấp vào ghế, trẻ không nhận ra đó là vì bản thân không cẩn thận mà đổ lỗi cho tại ghế thì các lần sau trẻ sẽ không lưu tâm được là phải chú ý hơn để không bị vấp. Hoặc nếu con bị điểm thấp, không nhận ra là do chưa chăm chỉ ôn bài mà đổ lỗi do cô giáo không giảng kỹ, do các bạn giỏi hơn thì trẻ sẽ không biết mình phải cố gắng như thế nào để cải thiện điểm số.
Dạy trẻ “đánh chừa” – kìm hãm sự chủ động ở con
Đổ lỗi sẽ làm hạn chế sự chủ động ở trẻ nhỏ. Từ những hành động nhỏ nhất sẽ tạo thành thói quen và tính cách của trẻ. Từ những cái “đánh chừa” có thể khiến trẻ bị động trong việc nhận ra lỗi của mình và thiếu chủ động trong việc cải thiện hành vi.
Chẳng hạn khi trẻ bị bạn bè bắt nạt, nếu cả bố mẹ và con đổ lỗi hoàn toàn là do các bạn, thì sẽ không ai nhận ra vấn đề ở bản thân mình là vì sao lại bị bắt nạt, từ đó không không chủ động cải thiện hành vi, kỹ năng ở trẻ.
Trẻ đổ lỗi tức là đánh mất cơ hội được lựa chọn
Đổ lỗi sẽ đánh mất cơ hội được lựa chọn ở mỗi đứa trẻ. Khi một vấn đề xảy ra, trẻ sẽ đổ lỗi cho hoàn cảnh, số phận, bạn A, của người B… Điều này đã khiến những đứa trẻ không được sở hữu sự lựa chọn, đối mặt với cảm xúc và quyết định của riêng mình.
Đổ lỗi cho người khác hạn chế ý thức lựa chọn và khả năng suy nghĩ của trẻ. Trong khi đó, thông qua sự tự suy nghĩ, trẻ có thể xác định rõ hơn mong muốn của mình và làm thế nào để đạt được chúng.
Ngay từ khi còn nhỏ, nếu biết đối diện với thực tế, nhận ra trách nhiệm của mình thì khi lớn lên trẻ sẽ nắm bắt được sự chủ động, có thêm nhiều cơ hội và lựa chọn cho bản thân mình. Ví dụ như khi bị điểm kém mà đổ lỗi do giáo viên thì sẽ mất cơ hội lựa chọn làm thế nào để mình học giỏi hơn, hạn chế cơ hội được cố gắng và thể hiện bản thân mình.
Giải pháp hay thay cho những cái “đánh chừa” với trẻ nhỏ
Có rất nhiều cách để bố mẹ dạy con thay vì vô tình dạy con cách đổ lỗi cho hoàn cảnh xung quanh.
Xoa dịu và dạy con bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh
Bạn có thể xoa dịu con và để con bình tĩnh khi con ngã, con đau để thay cho cụm từ “đánh chừa”. Ví dụ, con vấp đau, hãy giải quyết vấn đề đau của con như xoa vết thương, bôi thuốc vào vết thương, đồng cảm với con về cơn đau mà con đang trải qua.
Hay khi trẻ làm vỡ lọ hoa mà vì sợ bị mắng nên đổ lỗi cho bạn mèo làm vỡ, thì hãy xoa dịu để con không còn cảm giác sợ hãi, rồi tiếp đến mới giải quyết vấn đề.
Tìm nguyên nhân và phân tích cùng con
Bố mẹ hãy tìm ra nguyên nhân và phân tích cho trẻ hiểu. Sau khi xoa dịu con, việc bạn cần làm tiếp theo là tìm ra nguyên nhân của sự việc.Ví dụ như con vấp vào ghế và ngã có thể là do con đi không cẩn thận để bị vấp, hoặc do chúng ta không cất ghế gọn gàng.Con bị bạn bè bắt nạt có thể vì con không hòa đồng được với các bạn, con nhút nhát.. Khi tìm ra được nguyên nhân, bố mẹ hãy phân tích cụ thể cho con hiểu, chịu trách nhiệm và thay đổi bản thân mình thay vì đổ lỗi cho người khác.Tuy nhiên, bố mẹ không nên tập trung vào lỗi của trẻ mà quan trọng là để trẻ biết được lỗi của mình. Vì nếu quá tức giận mà bố mẹ áp dụng bạo lực, trách mắng con sẽ khiến trẻ sợ hãi mà không dám đối mặt với hành vi.
Cho con cơ hội bằng cách chấp nhận sai lầm của con
Hãy chấp nhận sai lầm của con để giúp con cải thiện hành vi và nhận thức của mình. Khi trẻ mắc sai lầm, chúng có thể có nhiều lựa chọn hoặc là giúp con nhận ra lỗi và khắc phục hậu quả, hoặc là khiến trẻ sợ hãi và tìm cách ứng phó, nói dối, đổ lỗi. Mọi đứa trẻ sẽ dễ dàng nhận ra sai lầm của mình hơn khi được sống trong một trường mà mọi người sẽ chấp nhận sai lầm của chúng, và cho chúng cơ hội để sửa chữa. Hãy khích lệ khi con có những hành vi đúng mực, tích cực để con có động lực duy trì.
Thiết lập quy tắc cùng con
Bố mẹ cũng có thể đặt ra quy tắc với trẻ. Hãy đặt ra quy tắc gia đình cho việc đổ lỗi, nếu ai đó trong nhà liên tục đổ lỗi và không chịu trách nhiệm sẽ bị kỷ luật.
Trên thực tế, câu chuyện về đổ lỗi và những cái “đánh chừa” có thể sẽ có nhiều ý kiến và quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, việc để trẻ chịu trách nhiệm cho hành vi của mình là điều cần thiết để xây dựng lòng khiêm nhường, tôn trọng mình và tôn trọng người khác. Đồng thời, nó còn giúp mọi đứa trẻ trở nên dũng cảm hơn khi chúng biết đối diện với chính những nhược điểm của mình. Thành thật với bản thân và ngưng đổ lỗi sẽ khiến trẻ có nhiều niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống.