Nghìn lẻ một những chiêu trò lừa đảo mới nhất 2024 – Phần 1

Bạn nhắn vay tiền, đã gọi điện thoại, gọi video call để xác nhận, mà vẫn bị lừa…. Tại sao lại thế? Đây chỉ là 1 trong số rất nhiều kiểu lừa đảo mới nhất, Nếu bạn ko muốn có ngày mất tiền oan thì nên đọc hết bài viết này!

 

Cảnh giác lừa đảo
Cảnh giác lừa đảo

Xin chào độc giả Biết Tuốt, tôi là Anh Tuấn, hôm nay tôi xin được chia sẻ và tổng hợp lại các chiêu trò lừa đảo mới nhất 2024. Xin mời đón đọc!

Thế giới đang sống trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, thời đại kỷ nguyên số. Dựa trên cơ sở đó mà hàng vạn kiểu lừa đảo mới ra đời trên không gian mạng. Theo số liệu thống kê thì tại Việt Nam, có tới hơn 68 triệu người sử dụng internet, chiếm khoảng 70% dân số. Có thể nói đây là 1 môi trường béo bở, màu mỡ cho những kẻ lừa đảo hoành hành. Nhất là với những người mới tiếp xúc với công nghệ như người già, trẻ nhỏ, những người không va chạm xã hội nhiều như những bà nội trợ. Đây là những đối tượng tiềm năng của những kẻ lừa đảo.

Vậy chúng lừa đảo như thế nào? những hình thức lừa đảo ra sao? và chúng ta cần làm gì để tránh bị lừa đảo? Trong khuôn khổ bài viết này chúng ta hãy cùng tìm hiểu!

Nếu như trước đây, chúng ta cần lên mạng để học và trau dồi kiến thức, thì ngày nay lại trái ngược hoàn toàn. Phải có kiến thức hãy lên mạng nếu ko rất dễ dính vào các trò lừa tinh quái, hậu quả thì ai cũng rõ, có thể mất tiền hoặc mất rất nhiều tiền!

Thời gian trở lại đây, báo đài liên tục cảnh báo về các hàng vi lừa đảo, triệt phá các đường dây lừa đảo xuyên biên giới với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Dưới đây tôi sẽ liệt kê các hình thức lừa đảo phổ biến nhất để mọi người cùng tránh nhé!

CÁC HÌNH THỨC LỪA ĐẢO TRÊN MÔI TRƯỜNG INTERNET

  1. Thông báo trúng thưởng:

Chiêu này xuất hiện cách đây khoảng 5-7 năm với kịch bản: Đại diện nhãn hàng ABC, XYZ… gọi điện thông báo bạn là KH may mắn trúng giải thưởng là Điện thoại Iphone, Xe máy SH…. trong chương trình tri ân KH hoặc kỷ niệm xx năm thành lập công ty…

Lừa đảo trúng thưởng
Lừa đảo trúng thưởng

Người gọi điện yêu cầu bạn làm một số thủ tục để nhận thưởng, bao gồm nộp lệ phí nhận thưởng bằng hình thức thẻ cào hoặc chuyển khoản, sau khi đã nộp các khoản lệ phí xong thì bọn chúng sẽ chặn hoàn toàn liên lạc, bạn không thể tìm thấy chúng ở đâu và vỡ lẽ đã bị lừa!

Ở bản nâng cấp hơn, nhóm lừa đảo thông báo bạn trúng thưởng nhẫn vàng, hoặc đồ vật nhỏ có giá trị nào đó, bạn ko cần đóng bất kỳ khoản phí nào, chỉ cần đọc địa chỉ, chờ nhận hàng và thanh toán 50k tiền ship.

Tại sao lại như thế? Đây là chiêu lừa đảo tiền ship cực kỳ nhiều người dính, dù số tiền không lớn nhưng bạn thử nghĩ xem, với 1 chiếc nhẫn “vàng chín số 4” hoặc “Vòng phong thủy” mà họ giao được nhập theo cân, tính ra chắc chỉ vài trăm đồng đến vài nghìn 1 chiếc, + tiền ship khoảng 15-20k/đơn, họ thu của bạn 50k/đơn, vậy mỗi đơn lời từ 20-30k, mỗi ngày họ lừa cả nghìn đơn thì con số là bao nhiêu? KH thường nghĩ mình thông minh, à mình chả mất gì, mất mỗi tiền ship hàng nên rất yên tâm, kể cả đến lúc nhận hàng xong vẫn hồn nhiên ko biết là mình đã bị lừa.

2. Nâng cấp sim 4G

Các đối tượng lừa đảo gọi điện mời chào nâng cấp sim đang sử dụng lên sim 4G để có tốc độ truy cập nhanh hơn, Đối tượng mạo danh là nhân viên của các nhà mạng gọi điện, nhắn tin hướng dẫn cú pháp để thực hiện nâng cấp sim 3G thành sim 4G nhằm lừa đảo, chiếm đoạt quyền kiểm soát sim điện thoại, đánh cắp các thông tin thẻ tín dụng, lấy mã OTP của tài khoản ngân hàng đăng ký theo số điện thoại đó

Lừa đảo nâng cấp sim 4G
Lừa đảo nâng cấp sim 4G

Bạn sẽ không nhận ra điều gì cả cho đến khi bằng 1 cách thần kỳ nào đó tiền trong tài khoản ngân hàng bị trừ hoặc tiền điện thoại bị trừ vô căn cứ. Và nếu bạn không có thói quen kiểm tra tài khoản thì có khi bạn bị rút ruột dần dần mà cũng ko hề hay biết gì. Vậy nên nếu muốn nâng cấp sim lên 4G hoặc 5G, vui lòng gọi trực tiếp lên tổng đài để được hỗ trợ hoặc ra trực tiếp các điểm giao dịch của nhà mạng nhé!

3. Lừa đảo từ thiện

Đánh vào tâm lý thương người như thể thương thân, nhiều đối tượng lập ra các trang fanpage mạo danh các kênh lớn như Dantri.com, VNexpress, Hội chữ thập đỏ…vân vân và mây mây, rồi đăng những hoàn cảnh cực kỳ éo le, đáng thương để mọi người chuyển khoản ủng hộ, thông thường những tin kêu gọi từ thiện này họ lấy từ các trang báo lớn như quỹ vì người nghèo của báo dân trí, mọi thông tin có thể y hệt, chỉ khác là tài khoản ngân hàng thụ hưởng chính là của tổ chức lừa đảo!

Lừa đảo từ thiện
Lừa đảo từ thiện

Hãy cảnh giác, muốn làm người tốt thì cũng phải có kiến thức, đừng tiếp tay cho lừa đảo lộng hành. Các bạn có thể làm từ thiện qua các hội chính thống được cấp phép như Hội chữ thập đỏ VN, Quỹ vì người nghèo của các báo lớn, Dự án nuôi các em nhỏ vùng cao…

4. Giả danh cơ quan pháp luật

Chiêu thức nhóm lừa đảo gọi điện tự xưng là người bên công an, tòa án, viện kiểm soát….với số điện thoại hiện lên có thể là số di động hoặc thậm chí chúng giả mạo số hiện luôn tên là CONG AN HN chẳng hạn, họ thông báo bạn đang bị kiện tụng hoặc có liên quan đến 1 vụ án nào đó, hoặc vi phạm giao thông đang chờ xử phạt, có lệnh bắt tạm giam của cơ quan điều tra… Khi đó, các đối tượng yêu cầu bị hại kê khai tài sản, chứng minh tài sản hoặc xác minh tiền trong tài khoản, các đối tượng sẽ dùng các lời lẽ hăm dọa đánh vào sự sợ hãi của bạn, rồi yêu cầu bạn cung cấp các thông tin, tài khoản, mật khẩu, mã OPT ngân hàng….để thực hiện điều tra, từ đó lừa rút sạch tài khoản của bạn.

Lừa đảo giả danh cơ quan pháp luật
Lừa đảo giả danh cơ quan pháp luật

Với chiêu trò này bạn chỉ cần ghi nhớ nguyên tắc cơ bản sau: Tất cả các cơ quan pháp luật không làm việc qua điện thoại, nếu có bất kỳ vấn đề gì liên quan đến pháp luật bạn cần nhận được giấy mời hoặc giấy triệu tập đến trụ sở nào đó để làm việc, Đặc biệt, không cung cấp mã OPT cho bất kỳ cá nhân nào kể cả người đó tự xưng là nhân viên ngân hàng, công an!

5. Giả mạo ngân hàng

CÁc đối tượng lừa đảo tạo ra các trang web có giao diện giống hệt website chính thức của ngân hàng, sau đó nhắn tin cho nạn nhân với nội dung kiểu như: Tài khoản của bạn đang có dấu hiệu bị đăng nhập từ một thiết bị lạ, nếu đó không phải là bạn, hãy click vào link sau để xem lại bảo mật. Hoặc nhiều kiểu nhắn tin khác hòng dụ dỗ khách hàng bấm vào link lừa đảo, nếu ko tỉnh táo bạn sẽ vào đó, nhập tên đăng nhập, mật khẩu, và mã OPT cho chúng rút sạch tiền mà không biết.

Lừa đảo mạo danh tin nhắn ngân hàng
Lừa đảo mạo danh tin nhắn ngân hàng, bên trên cảnh báo lừa đảo, bên dưới gửi ngay link lừa đảo

Các bạn cần hết sức cảnh giác với các đường link lạ, và chỉ nên thực hiện thao tác trên app chính thống của ngân hàng hoặc website chính thức, ví dụ: website của Vietcombank là https://www.vietcombank.com.vn/ Nếu bạn truy cập vào thấy địa chỉ là vietcombank.com.cn hay vietcombank.info thì là lừa đảo rồi đấy. Hãy thực sự tỉnh táo để tránh mất tiền nhé

6. Bẫy tình trên mạng xã hội

Các nhóm bẫy tình hoạt động khá tinh vi, chuyên nghiệp và bài bản, chúng nhắm đến con mồi là các phụ nữ có hoàn cảnh éo le, độc thân, đôi khi chúng cũng lừa cả nam giới. Chúng tạo các tài khoản mạng xã hội toàn ảnh trai xinh gái đẹp, chúng làm quen, tán tỉnh vài hôm, rồi nói có món quà tặng cho bạn, thế rồi 1 vài hôm sau sẽ có người của hải quan nói là bạn có bưu phẩm gửi về, nhưng cần phải trả phí để khai báo hải quan, nộp thuế thì mới nhận được, và bạn chuyển tiền cho họ, và rồi bạn chờ từ năm này qua năm khác cũng ko có món quà nào đến tay bạn cả… Người bảo tặng quà cho bạn cũng đã chặn liên lạc hoặc bay hơi tài khoản.

Lừa đảo bẫy tình trên mạng
Lừa đảo bẫy tình trên mạng

Cách phòng tránh: Hãy vào xem các bài đăng trên mạng xã hội của người trai xinh gái đẹp tự nhiên nhắn tin với bạn, Nếu 1 bài đăng mà có cả trăm lượt thích, bình luận toàn kiểu : Em đẹp quá, xinh gái quá… thì đích thị là hàng face rồi, bởi nếu bạn là 1 người bình thường, khi đăng ảnh bạn bè sẽ cmt kiểu: Dạo này m lặn đi đâu thế, hôm nào gọi mấy đứa đi cafe đi… Nếu có dấu hiệu nghi vấn thì tốt nhất nên block luôn, vì méo có đứa trai xinh gái đẹp nhà giàu nào rảnh háng lại đi kết bạn làm quen nhắn tin với bạn đâu. Có khi nhắn tin dạ vâng anh yêu nọ kia nhưng thực tế lại là đứa đồng giới với mình ấy. Hãy tỉnh táo nhé!

7. Cho số lô đề

Các tài khoản MXH có cái tên kêu như XSMB, Soi Cầu Chuẩn…. nhắn tin, gạ gẫm cho số lô, đề, nếu không chuẩn hoàn tiền 200%, và để có số thì bạn phải đóng 1 khoản phí nhất định. Khi này nếu bạn trượt và muốn đòi lại tiền thì chúng sẽ chặn liên hệ, hoặc lý do nọ kia để gài bạn tiếp. Bạn cũng có thể bị đưa vào các nhóm zalo, telegram mà trong đó có đến 90% là cò mồi, người của chúng, chỉ có 1 vài nạn nhân để chúng dụ dỗ trong đó có bạn!

Lừa đảo cho số lô đề
Lừa đảo cho số lô đề

Hãy tỉnh táo, nếu chúng có thể chắc chắn số lô, đề, thì chúng tự chơi tự giàu chứ đợi đấy mà trao cơ hội cho người khác, người nhà còn chả đến lượt chứ đừng nói người lạ như mình, ko có gì là dễ dàng cả đâu b nhé!

8. Giả danh nhân viên y tế

Trò này cũng mới xuất hiện với thủ đoạn như sau: Các đối tượng mua data của các trường học, trong đó có mọi thông tin của học sinh bao gồm tên bố mẹ, số điện thoại. Sau đó vào 1 ngày chúng gọi điện cho phụ huynh, nói con bạn vừa bị tai nạn đang cấp cứu cần làm phẫu thuật ngay, yêu cầu bạn tạm ứng viện phí 1 vài chục triệu để tiến hành phẫu thuật ngay giữ lại mạng sống, trong tâm lý hoảng loạn, bạn ko hề nghi ngờ và chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo, lúc bạn bình tĩnh để gọi điện cho cô giáo thì mới hay con bạn ko hề có vấn đề gì cả. Đã có khá nhiều trường hợp bị lừa như này.

Lừa đảo giả danh nhân viên y tế
Lừa đảo giả danh nhân viên y tế 

Hãy nhớ rằng phải bình tĩnh trước mọi tình huống, xác minh thông tin trước khi đưa ra bất kể 1 quyết định gì.Việc đầu tiên trong trường hợp này là gọi điện tới nhà trường để xác minh thông tin. sau đó mới đến bệnh viện. Và xin hãy nhớ rằng, khi các ca cấp cứu được đưa tới bệnh viện, các bác sĩ sẽ làm mọi cách để cứu chữa, kể cả khi chưa có tiền, chưa có người nhà bệnh nhân. Đừng chuyển tiền cho bất kỳ người lạ nào.

Đọc thêm: LỪA ĐẢO KHÔNG GIAN MẠNG 05: Giả danh giáo viên/nhân viên y tế

9. Lừa đảo tuyển mẫu nhí:

Chiêu này quá nhiều các mẹ bỉm sữa đã dính, người nhẹ thì vài triệu đồng, người nặng thì vài trăm triệu đồng ra đi.

Lừa đảo tuyển mẫu nhí
Lừa đảo tuyển mẫu nhí

Các đối tượng lừa đảo lập các trang fanpage giả danh các thương hiệu thời trang lớn, chạy quảng cáo nội dung tuyển Mẫu nhí, Model Kid… với các bé từ 1 -6 tuổi, với casxe khá cao từ 500k – 1 vài triệu/buổi chụp mẫu hoặc còn có cả lương cố định hàng tháng lên tới cả chục triệu đồng. Các mẹ thì luôn muốn con mình được tỏa sáng, lại có thêm thu nhập tương đối nên bị dẫn dụ vào làm các nhiệm vụ chứng minh khả năng, Các nhiệm vụ ban đầu rất đơn giản như like page VTX nhận thưởng 30.000đ hoặc điểm danh đúng 9h tối nhận thưởng 30.000đ… Rất đơn giản lại có tiền tươi được chuyển về tài khoản khiến đa số các mẹ ko hề nghi nghờ, và rồi nhiệm vụ cao hơn, hoa hồng sẽ nhận được nhiều hơn: Đặt đơn hàng 300k sẽ nhận lại 350k, đặt đơn 1 triệu nhận về 1.2tr… Đến khi bạn nạp tiền triệu vào rồi, chúng sẽ báo hệ thống lỗi chưa nhận được tiền, cần làm các nhiệm vụ tiếp theo để nhận lại tiền, và rồi cứ đâm sâu, đâm sâm để rồi có người đã mất đến vài trăm triệu đồng. Đọc thêm bài viết trên báo Công an nhân dân Tại đây

Chỉ vì ham hư vinh, thiếu hiểu biết mà con thì ko được làm Idol, mẹ thì mất sạch tiền tích cóp, lâm vào cảnh khốn cùng. Vậy nên hãy chia sẻ những điều này đến bạn bè người thân để mọi người cảnh giác nhé!

10. Lừa đảo tuyển dụng, việc làm

Những người đang thất nghiệp đã nghèo đã khó, còn gặp đám lừa đảo thì đúng là chó cắn áo rách, Các hình thức lừa đảo phổ biến nhất là đăng các tin tuyển dụng với nội dung việc nhẹ lương cao, không yêu cầu bằng cấp kinh nghiệm, hoặc có thể chúng copy y nguyên tin tuyển dụng của các tập đoàn lớn như FTP, thế giới di động, điện máy xanh…. rồi thay đổi số điện thoại, email liên hệ. Khi ứng viên gửi CV, chúng sẽ yêu cầu gửi tiền xét duyệt hồ sơ, hoặc tiền giữ chỗ… rồi chiếm đoạt. Sẽ ko có cuộc phỏng vấn nào đến với bạn đâu.

Ngoài ra, còn 1 số đối tượng không trực tiếp lừa tiền của bạn, mà chúng chỉ thu thập thông tin, đăng tin tuyển dụng với các vị trí lương cao, ko đòi hỏi trình độ, để rồi bạn nộp CV, trong đó có tên, số điện thoại, địa chỉ, link mạng xã hội… sau đó bán cho các tổ chức lừa đảo với giá 25-30 nghìn đồng 1 người. Với chiêu này mỗi ngày nhóm lừa đảo hàng trăm người để bán cho các tổ chức lừa đảo chuyên nghiệp bên Campuchia, cái này cũng đã lên phong sự của VTV rồi, các bạn có thể tìm xem.

Lừa đảo việc làm
Lừa đảo việc làm

Để tránh bị lừa, các bạn cần nhớ: Tất cả các doanh nghiệp chân chính tuyển dụng đều không bao giờ yêu cầu bạn nộp bất kỳ khoản lệ phí nào, thậm chí họ còn phải bỏ nhiều tiền ra để tìm kiếm người tài, chứ ko thu gì 1 vài trăm nghìn của các bạn. Bất kể cty nào việc nhẹ lương cao mà yêu cầu nộp lệ phí xét tuyển thì đều là lừa đảo hết. Công việc nào cũng có cái giá của nó, đừng quá tham lam, ví dụ với vị trí kế toán cho sinh viên mới ra trường lương dao động từ 6-8tr đồng, chứ tự nhiên thấy tuyển sinh viên lương 10 triệu thì cứ cẩn thận lại ăn trái đắng nhé!

Thêm nữa, đọc tin tuyển dụng bạn cũng cần xem xét các thông tin của nhà tuyển dụng, tài khoản nhà tuyển dụng có uy tín hay không? số điện thoại, email có phải của công ty đó không, thông thường các cty lớn sẽ sử dụng số đt bàn hoặc tổng đài, email có dạng anhtuan@vienthongxanh.vn  và thường có bài đăng tuyển dụng như thế này trên website chính thức.

11. Giả làm người thân gọi điện vay tiền

Như đã nói ở đầu bài viết, thời buổi công nghệ AI cực kỳ phát triển, bọn lừa đảo có thể giả dạng giọng nói, thậm chí cả khuôn mặt để gọi điện lừa đảo.

Thủ đoạn của chúng là hack các tài khoản zalo, fb, mạng xã hội, rồi sử dụng những hình ảnh bạn đăng tải sử dụng AI để deepface các video lừa đảo, sau đó nhắn tin, gọi điện cho người thân trong danh bạn để mượn tiền. Tuy nhiên nhược điểm của những cuộc gọi video face là rất ngắn, chỉ gọi vài giây cho thấy mặt, lời nói không được khớp với khẩu hình, sau đó bọn lừa đảo sẽ nói do mạng kém ko gọi được và nhắn tin để yêu cầu chuyển tiền, lưu ý đặc biệt quan trọng là tài khoản nhận tiền thường sẽ là tên người khác, chứ ko phải tên người bạn kia. Cũng có những trường hợp chúng cho đúng tài khoản cùng tên người nhận, nhưng ngân hàng khác, số tài khoản khác. Chúng đã có sẵn hàng trăm tài khoản ngân hàng đủ các tên, cái nào tên khớp với nạn nhân thì chúng dùng để tránh bị nghi ngờ.

Lừa đảo deepface video call
Lừa đảo deepface video call

Để tránh mắc lừa, hãy nhớ rằng cuộc gọi có thể là giả, video giả chỉ được vài giây và khẩu hình không khớp, tài khoản ngân hàng có thể trùng tên, trong trường hợp này bạn nên gọi điện hỏi thêm 1 vài thông tin chỉ người thật mới biết như : Lần cuối chúng ta gặp nhau là khi nào? chúng ta có kỷ niệm gì với nhau? Tên người yêu cũ của bạn là gì?… đại khái là 1 câu hỏi để xác minh đó đúng là bạn mình chứ ko phải 1 kẻ mạo danh.

Ngoài ra còn khá nhiều chiêu thức lừa đảo khác như Chuyển nhầm tiền để ép vay, lừa đảo mua hàng trực tuyến, lập sàn giao dịch ảo, lừa đảo khóa thuê bao điện thoại…. Tôi sẽ nói tiếp ở phần 2, do nội dung khá dài. Nếu bạn đọc quan tâm vui lòng chia sẻ với bạn bè và follow kênh Biết Tuốt để nhận được nhưng thông tin bổ ích nhất!

Hẹn gặp lại ở những bài viết sau!

5/5 (7 Đánh giá)

Bài viết cùng chủ đề: