Khi chúng ta bỏ tiền ra mua một chiếc smartphone dù ít tiền hay nhiều tiền, đặc biệt là với những chiếc iPhone hàng chục triệu đồng, chúng ta luôn muốn sử dụng chiếc máy này sao cho tối ưu nhất, sử dụng hết công năng của nó. Trong số đó, mình thấy anh em hay tìm cách để tối ưu pin của chiếc điện thoại sao cho nó cho thời lượng sử dụng lâu nhất có thể, có anh em còn ám ảnh về việc độ chai pin nữa, vậy anh em có cần phải lo lắng về điều đó không?
Chu kỳ pin
Ngay cả những người có kiến thức về công nghệ hay với những người dùng phổ thông đều mong muốn thời lượng sử dụng thiết bị của mình lâu nhất có thể, đó là mong muốn chính đáng nhưng chúng ta cũng không thể né tránh được một sự thật là cục pin trong máy của mình có tuổi thọ và chắc chắn nó sẽ bị suy giảm sau một thời gian.
Khi viên pin xuống cấp hay “già đi”, nó sẽ mất dần khả năng sạc đầy 100% dung lượng như ban đầu, đó gọi là chu kỳ pin (battery cycles). Chu kỳ pin được tính khi người dùng sử dụng 100% dung lượng của viên pin, tức là nếu chúng ta sạc đầy máy 100%, sử dụng được 50%, sau đó sạc đầy lại và sử dụng tiếp 50% còn lại thì được tính là một chu kỳ.
Đối với người dùng phổ thông thì cách giải thích và cách hoạt động của chu kỳ pin quá rắc rối để có thể hiểu và sử dụng cho đúng, còn người dùng công nghệ như anh em Tinh tế thì có nhiều cách để hạn chế tối đa sự gia tăng chu kỳ sạc và mình hoàn toàn không khuyến khích chuyện phải suy nghĩ quá nhiều về việc tối ưu pin hay chu kỳ sạc. Một số anh em còn khuyên không nên sạc thiết bị qua đêm để tránh tình trạng chai pin, nhưng với những chiếc smartphone hiện đại thì chúng đều có chip để điều chế dòng điện đi vào máy, khi đầy máy sẽ tự động ngắt sạc và chuyển sang trạng thái chờ, vì vậy nó sẽ hạn chế tối đa tình trạng chai pin và thói quen sợ cắm sạc qua đêm của anh em.
Trình tối ưu hoá pin hoạt động ra sao?
Trong đa số các thiêt bị công nghệ hiện nay như smartphone hay laptop, tai nghe, các nhà sản xuất đều tích hợp các công cụ tối ưu hoá pin riêng biệt, tuỳ vào từng cách đặt tên của các hãng, nhưng nhìn chung nó đều có một nguyên lý hoạt động giống nhau. Khi công nghệ về pin vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển của những thành phần khác, các nhà sản xuất đưa ra một giải pháp phần mềm nhằm phần nào hạn chế sự gia tăng của chu kỳ sạc pin.
Các thiết bị sẽ nghiên cứu thói quen sử dụng của người dùng trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó sẽ xác định thời điểm mà người dùng cần 100% dung lượng pin để sử dụng, cho đến lúc đó, pin sẽ được sạc và duy trì ở mức 80%, sau đó sẽ sạc dần lên đến 100% vào đúng lúc bạn cầm máy lên và bắt đầu sử dụng. 20% chênh lệch đó giúp cho pin luôn giữ ở mức dưới 100%, vừa giúp làm chậm số chu kỳ pin của thiết bị.
Vậy chúng ta có nên lo lắng về việc thiết bị chai pin hay không?
Chắc chắn một điều rằng thiết bị của chúng ta sớm hay muộn rồi cũng sẽ bị chai pin, dù cho chúng ta có tối ưu, có kĩ tính đến như thế nào đi chăng nữa, vì pin sinh ra để chúng ta sử dụng và nó đương nhiên phải chai đi. Cách chúng ta sử dụng thiết bị làm sao khiến cho chúng ta cảm thấy thoải mái nhất, tự tin nhất có thể, đó là hãy cứ dùng, hết thì lại cắm sạc, kể cả cắm sạc qua đêm cũng không ảnh hưởng nhiều đến tuổi thọ pin của thiết bị, vì đã có những công cụ, phần mềm tối ưu hoá thời lượng sử dụng pin mà mình đã nói ở trên.
Nhưng ngay cả khi bỏ qua những giải pháp phần mềm tối ưu thời lượng pin sang một bên, chúng ta cũng không cân quá lo lắng, đợi đến khi viên pin trong thiết bị bị chai đi, thì chắc cũng đến lúc chúng ta cân nhắc chuyển sang các thiết bị mới. Đặc biệt với những anh em hay có thói quen đổi máy sau một năm thì lại càng không cần lăn tăn hay đắn đo về pin, hãy cứ sử dụng một cách thoải mái nhất có thể, chắc chắn chi phí khi thay pin bị chai sẽ rẻ hơn rất nhiều so với chi phí nâng cấp một chiếc máy mới, hãy cứ tận hưởng những gì mà thiết bị của bạn mang lại.
Xem thêm:
Notification hoạt động như thế nào? Tắt bớt thông báo có tiết kiệm pin không?