Mục Lục
Trình duyệt Tor là gì ?
Nếu bạn mới tìm hiểu về quyền riêng tư và bảo mật trên internet, bạn có lẽ đã từng nghe về một thứ gọi là Tor – một phần mềm kết nối internet đi kèm trình duyệt của riêng nó hiện đang được sử dụng khá rộng rãi.
Tor được giới sành công nghệ, đề cao quyền riêng tư rất ưa chuộng bởi khả năng mã hoá đáng tin cậy, đồng thời giúp người dùng che dấu đường đi nước bước của họ trên internet.
Thoạt nhìn, những khái niệm xoay quanh Tor có thể khá mù mờ và khó hiểu. Nhưng đừng lo lắng, mọi thứ đơn giản hơn nhiều so với bạn nghĩ.
Vào giữa những năm 1990, khi Hải quân Mỹ tìm kiếm những phương thức bảo mật để truyền đi thông tin tình báo nhạy cảm, một nhà toán học cùng hai nhà khoa học máy tính tại Phòng Thí nghiệm Hải quân (NRL) một thứ gọi là “định tuyến củ hành“. Đó là một loại công nghệ mới giúp bảo vệ lưu lượng internet của bạn với nhiều lớp riêng tư. Đến năm 2003, dự án Định tuyến Củ hành (The Onion Routing), viết tắt là Tor, đã được phổ biến rộng rãi ra công chúng, và mạng lưới người dùng khổng lồ của nó – chính là “động cơ” đảm bảo cho sự tồn tại của Tor – cứ thế tiếp tục tăng lên.
Ngày nay, hàng ngàn tình nguyện viên trên toàn thế giới vẫn duy trì kết nối máy tính của họ với internet để tạo nên mạng lưới Tor bằng cách trở thành các “node” hay “relay” cho lưu lượng internet của bạn.
Ở mức độ cơ bản nhất, Tor là một loại mạng kết nối internet với trình duyệt internet của riêng nó. Một khi bạn kết nối đến internet bằng trình duyệt Tor, lưu lượng internet của bạn sẽ được gỡ bỏ lớp thông tin định danh thứ nhất trong quá trình bước vào mạng Tor, và sau đó sẽ được chuyển qua lại giữa các relay node nói trên, vốn đóng vai trò mã hoá và riêng tư hoá dữ liệu của bạn theo từng lớp – giống như một củ hành vậy. Cuối cùng, lưu lượng internet của bạn sẽ đi đến node cuối (exit node) và rời khỏi mạng Tor để đi ra web mở.
Một khi bạn ở trong mạng Tor, việc truy dấu lưu lượng của bạn là gần như bất khả thi. Và một khi bạn rời mạng Tor thông qua một exit node, website mà bạn xem (giả dụ nó có HTTPS ở trước địa chỉ) sẽ không biết bạn đang truy cập từ đâu trên thế giới, giúp quá trình lướt web của bạn trở nên riêng tư hơn và được bảo vệ tốt hơn.
Cách sử dụng trình duyệt Tor
Duyệt web với Tor là điều khá là dễ dàng. Chỉ cần vào website chính thức và tải về trình duyệt Tor. Làm theo hướng dẫn cài đặt giống như với bất kỳ chương trình nào khác. Khi bạn mở Tor lần đầu, chương trình sẽ hỏi bạn cấu hình đường truyền (nếu bạn đang ở một quốc gia nơi Tor bị cấm, như Trung Quốc hay Ả-rập Saudi), hoặc hoạt động ngay lập tức. Một khi bạn bấm nút kết nối, Tor sẽ dành ra vài phút để tìm một loạt các relay để kết nối bạn vào đó.
Nhưng khi đã vào mạng Tor, bạn có thể sử dụng nó như vẫn làm với mọi trình duyệt khác. Bạn cũng sẽ được nhắc xem lại các thiết lập bảo mật của trình duyệt Tor. Nếu bạn muốn tối đa hoá quyền riêng tư, tốt nhất hãy để nguyên các thiết lập mặc định.
Nếu bạn gặp tình trạng tốc độ kết nối chậm hơn thông thường, bạn có thể nhờ Tor kiểm tra xem có con đường nào nhanh hơn đến website bạn muốn xem hay không. Ở góc trên bên phải trình duyệt Tor, bấm vào biểu tượng menu 3 gạch và chọn New Tor Circuit for this Site.
Trình duyệt đề cao quyền riêng tư là Brave cũng có một tuỳ chọn cho phép bạn định hướng lưu lượng thông qua Tor khi mở cửa sổ ẩn danh.
Nhược điểm của việc sử dụng trình duyệt Tor
Bởi Tor là một mạng lưới duy trì bởi các tình nguyện viên, tốc độ thường là vấn đề phổ biến nhất. Ví dụ, trong quá trình lưu lượng internet của bạn đi từ node này sang node khác, bạn nhiều khả năng sẽ để ý thấy tốc độ bị thất thoát đi nhiều so với khi sử dụng hầu hết các dịch vụ mạng riêng ảo (VPN) có phí. Điều này dễ nhận ra nhất nếu bạn tìm cách xem Netflix qua Tor hay thực hiện các cuộc gọi VoIP, hay gọi video qua một ứng dụng như Zoom. Công nghệ Tor thực ra không được phát triển để mang đến những trải nghiệm âm thanh – phim ảnh mượt mà như bạn kỳ vọng.
Nếu bạn chỉ muốn lướt internet bình thường bằng một trình duyệt có khả năng che giấu lưu lượng truy cập khỏi những cặp mắt cú vọ, Tor có lẽ không phải là lựa chọn tốt nhất bởi tốc độ chậm chạp và khả năng tương thích kém với hầu hết các nội dung đa phương tiện nhúng. Nhưng nếu bạn quan tâm về quyền riêng tư khi tìm kiếm một chủ đề cụ thể nào đó trên internet (và bạn không có VPN), Tor có lẽ là lựa chọn tốt nhất.
Nói về video, có một số giới hạn về mức độ quyền riêng tư mà Tor có thể đảm bảo cho bạn nếu bạn kích hoạt những plugin đa phương tiện nhất định, như Flash. Tương tự, plugin JavaScript của trình duyệt – vốn cho phép bạn xem các nội dung đa phương tiện nhúng trong nhiều website – vẫn có thể khiến thông tin địa chỉ IP của bạn bị rò rỉ. Các tập tin Torrent khi tải qua Tor cũng sẽ đặt bạn trước những rủi ro về riêng tư. Bởi những rủi ro này, các thiết lập quyền riêng tư mặc định của Tor đều tắt các loại plugin kể trên.
Tor có hoạt động cùng với VPN không?
Trong một số trường hợp là có. Tuy nhiên, đa phần bạn sẽ phải biết cách cấu hình kết nối VPN để hoạt động hài hoà với Tor. Nếu không thiết lập đúng, bạn có thể khiến cả Tor lẫn VPN trở nên kém hiệu quả trong việc bảo vệ sự riêng tư của bạn. Tốt nhất, bạn nên làm quen với cả hai loại phần mềm trước khi kết hợp chúng với nhau.
Mặt tích cực là nếu kết hợp thành công Tor và VPN, bạn sẽ có một tấm khiên cực kỳ hữu dụng. Trong khi Tor bảo vệ lưu lượng internet của bạn, VPN có thể đảm nhiệm vai trò mã hoá lưu lượng internet của bất kỳ ứng dụng nào khác đang chạy nên trên thiết bị của bạn.
Hi vọng qua bài viết này Biết Tuốt đã giải thích được cho các bạn hiểu được trình duyệt Tor là gì và cách thức hoạt động của nó như thế nào, nếu còn thắc mắc hay bổ sung các bạn có thể để lại comment phía dưới nhé.
Theo: khoahoc