Trên thị trường Việt Nam thì hiện chúng ta thấy có 3 loại máy sấy quần áo là sấy thông hơi, sấy ngưng tụ và sấy bơm nhiệt tương ứng với mức giá và công nghệ tăng dần. Vì vậy mình cũng sẽ phân tích theo thứ tự đó.
Mục Lục
Nguyên lý hoạt động
Máy sấy thông hơi
Đây có lẽ là loại sấy có công nghệ thông dụng và đơn giản nhất
Quy trình sấy chỉ trong 1 hệ thống chính bao gồm:
- Quạt gió hút không khí từ bên ngoài vào máy
- Không khí từ bên ngoài sẽ đi qua bộ phận cấp nhiệt (thường là điện trở – dùng điện để làm nóng không khí) để trở thành không khí nóng
- Không khí nóng đi vào lồng sấy giúp hơi ẩm trong quần áo bay hơi (mình cứ nói là không khí nóng hấp thụ hơi ẩm cho dễ diểu nhé)
- Không khí nóng cùng hơi nước lúc này theo ống xả và đi ra ngoài
- Quy trình diễn ra cho đến khi quần áo khô
Máy sấy ngưng tụ
Nếu chỉ nói đến cụm từ ngưng tụ hay quá trình ngưng tụ thì về lý thuyết cả máy sấy ngưng tụ và máy sấy bơm nhiệt đều sử dụng quá trình ngưng tụ để làm khô quần áo (hay có thể hiểu là để tách nước ra khỏi quần áo)
Đối với máy sấy ngưng tụ, sẽ có 2 hệ thống tham gia vào việc sấy như trong ảnh các bạn sẽ thấy có màu đỏ và màu xanh biểu trưng cho 2 hệ thống này và có các chữ số cho từng vị trí, mình sẽ sử dụng các con số này để miêu tả luôn
Với hệ thống màu đỏ tuần hoàn trong máy:
- Số 4 là không khí nóng được đưa vào lồng sấy để hấp thụ hơi ẩm
- Không khí nóng ẩm được đưa qua buồng ngưng tụ, thể hiện ở số 5
- Tại buồng ngưng tụ (số 3), không khí nóng ẩm sẽ được làm lạnh để hơi nước được chiết xuất ra khỏi không khí
- Sau khi ra khỏi buồng ngưng tụ ở vị trí 6 sẽ là không khí lạnh khô
- Lúc này đến vị trí 7 thì không khí sẽ đi qua bộ phận cấp nhiệt (thường là điện trở giống máy thông hơi) và để không khí nóng khô đi vào lồng sấy để lặp lại quy trình từ số 4
- Trong hệ thống này có ít nhất 1 quạt để lưu chuyển không khí (thường là ở vị trí số 6)
Tiếp đến là hệ thống màu xanh, hệ thống này phục vụ cho buồng ngưng tụ:
- Để ngưng tụ được hơi nước trong không khí nóng ẩm ở số 5, thì trong buồng ngưng tụ số 3 này có dàn ngưng tụ phải có nhiệt độ lạnh hơn không khí nóng ẩm
- Để dàn lạnh hơn không khí nóng ẩm thì hệ thống màu xanh như là bộ phận giải nhiệt cho dàn
- Số 1 là không khí mát từ môi trường được hút vào qua một cái quạt ở số 2 (khác với quạt ở số 6) và sau đó không khí mát này sẽ được thổi qua dàn số 3 để làm mát dàn và sẽ được thoát ra khỏi máy
Máy sấy bơm nhiệt
Nhắc đến từ bơm nhiệt thì mọi nghe có vẻ lạ lẫm nhưng thực ra rất nhiều thiết bị xung quanh chúng ta dùng cơ chế này để hoạt động, có thể kể đến như điều hòa, tủ lạnh, tủ đông, máy hút ẩm, máy sấy quần áo. Bơm nhiệt về bản chất là ứng dụng của quá trình nhiệt động lực học (đã được học hồi lớp 10) thông qua chu trình Carnot của chất lỏng-khí để thay đổi nhiệt. Giới thiệu qua một chút về bơm nhiệt, thì về cơ bản giống với các thiết bị mình kể trên, bộ phận sấy sẽ có dàn nóng, dàn lạnh, máy nén và van giãn nở được nối với nhau qua hệ thống ống và được bơm gas ở bên trong.
Ở bài này mình không đi sâu hơn về hệ thống bơm nhiệt mà chỉ đề cập đến cách máy sấy bơm nhiệt dùng phương pháp ngưng tụ (có nhiều điểm tương đồng với máy sấy ngưng tụ) để tách ẩm như sau:
- Không khí nóng ẩm trong lồng được quạt đưa qua dàn lạnh (dàn này trong ảnh có tên là dàn bay hơi theo đúng thuật ngữ kỹ thuật của hệ thống bơm nhiệt để chỉ trạng thái bay hơi của gas bên trong dàn, nhưng bên ngoài hệ thống thì nó là dàn lạnh dùng để ngưng tụ hơi nước nhé – mình lưu ý chỗ này vì mình sẽ gọi nó theo tác dụng ngưng tụ hơi nước – tương tự với dàn nóng cũng vậy)
- Dàn lạnh chiết xuất nước từ không khí nóng ẩm khiến nó thành lạnh khô
- Không khí lạnh khô được đưa qua dàn nóng để thành không khí nóng khô
- Không khí nóng khô quay trở lại lồng sấy để hấp thụ hơi ẩm
- Lặp lại quy trình trên cho đến khi quần áo khô
- Cũng như máy ngưng tụ, sẽ có 2 hệ thống làm việc, điểm giống đó là hệ thống tuần hoàn không khí đưa không khí nóng ẩm qua dàn ngưng tụ để tách nước.
Nhiệt độ sấy và yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả sấy
Máy sấy thông hơi
Thông thường nhiệt độ bên trong lồng máy sấy thông hơi là khoảng 60-80 độ C (mình tham khảo ở các nguồn nước ngoài 1, 2, 3, vì không thấy có nguồn tiếng Việt nào nên nhiệt độ này có thể khác nhau tùy thuộc vào khu vực địa lý, nhà sản xuất, nhiệt độ môi trường)
Với máy sấy thông hơi, hiệu quả sấy của máy sẽ bị phụ thuộc vào nhiệt độ và độ ẩm của môi trường, vì máy hút không khí từ môi trường vào. Nếu môi trường quá ẩm hay quá lạnh thì chắc chắn máy sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để sấy khô quần áo khi so với môi trường ít ẩm, ít lạnh hơn. Mình cũng từng có bàn về mối tương quan giữa nhiệt độ và độ ẩm trong bài viết về máy hút ẩm, bạn nào muốn hiểu rõ hơn thì có thể xem ở link mình để cuối phần này.
Máy sấy ngưng tụ
Nhiệt độ trong lồng sấy có thể lên tới 70-75 độ C.
Hiệu quả sấy của máy phụ thuộc nhiều vào nhiệt độ môi trường, vì buồng ngưng tụ của máy cần được làm lạnh bằng không khí từ môi trường để ngưng tụ, vì vậy nếu nhiệt độ môi trường quá nóng thì có thể hiệu suất ngưng tụ sẽ giảm, và vì dùng nhiệt độ môi trường để ngưng tụ vì vậy phải đưa nhiệt độ lồng sấy lên cao 70-75 độ để có thể đạt được hiệu suất ngưng tụ tốt hơn.
Máy sấy bơm nhiệt
Nhiệt độ trong lồng sấy bơm nhiệt chỉ khoảng 50 độ C, vì sao với nhiệt độ thấp mà vẫn có thể sấy khô quần áo, vì lúc này dàn lạnh của máy sẽ rất lạnh, lạnh hơn nhiều so với nhiệt độ môi trường và vẫn có thể chiết xuất hơi ẩm ra khỏi không khí, vì vậy không cần phải làm không khí trong lồng trở nên quá nóng như 2 loại máy trên. Cái này cũng là mối tương quan giữa độ ẩm và nhiệt độ, các bạn có thể xem thêm trong bài về máy hút ẩm của mình. Cơ chế sấy của máy bơm nhiệt khá giống với cơ chế hoạt động của máy hút ẩm.
Đối với máy sấy bơm nhiệt, nhiệt độ hay độ ẩm môi trường bên ngoài hầu như ảnh hưởng rất ít đến hiệu quả sấy của máy vì nhiệt độ ngưng tụ được kiểm soát bởi hệ thống bơm nhiệt rồi.
Xem thêm: