Với 100 triệu đồng tiền quảng cáo, bạn chỉ cần trả 30 triệu đồng!? Đó là những lời mời gọi nhan nhản trên mạng xã hội. Và thực hư chuyện đó thế nào? có phải facebook có chính sách triết khấu lên tới 70% như thế không? hãy cùng Biết Tuốt tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
Quảng cáo Facebook siêu rẻ ở Việt Nam
Dịch vụ này xuất hiện với nhiều tên gọi khác nhau, như “quảng cáo chiết khấu“, quảng cáo bằng tài khoản “invoice“, hay nhiều người gọi tắt là “voi” để tránh bị Facebook phát hiện. Các dịch vụ quảng cáo “giá rẻ” này xuất hiện nhiều trên các hội nhóm hay các diễn đàn của người làm quảng cáo tại Việt Nam thời gian qua.
Mức “chiết khấu” của dịch vụ dao động từ 50 đến 70%. Tức là các cửa hàng online muốn quảng cáo với ngân sách 100 triệu đồng phải trả số tiền từ 30 đến 50 triệu đồng, tùy mặt hàng. Những mặt hàng thuộc dạng vi phạm chính sách (tức là những mặt hàng cần kiểm duyệt hoặc cấm như thuốc, thực phẩm chức năng…)vẫn được cam kết có thể quảng cáo, nhưng mức chiết khấu thấp hơn. Tuy nhiên, các bên nhận quảng cáo kiểu này thường chỉ nhận chạy với ngân sách lớn, từ 100 triệu đến 500 triệu đồng. Tại sao lại như thế?
Theo các chuyên gia, đây thực chất là chiêu sử dụng tài khoản quảng cáo bị chiếm quyền truy cập hay nói các khác là hack tài khoản quảng cáo của các công ty lớn.
Theo bạn Nguyễn Duy, một người làm quảng cáo lâu năm tại Hà Nội, cho hay, quảng cáo “invoice” vốn dành cho các công ty lớn, được cung cấp hạn mức tín dụng cao thay vì bị giới hạn theo ngày như các công ty nhỏ. Tuy nhiên, quảng cáo “voi” với số tiền chiết khấu 50 đến 70% tại Việt Nam phần lớn là hình thức sử dụng tài khoản “invoice” bị hack.
“Họ chiếm được quyền truy cập các tài khoản quảng cáo, thường là của các cá nhân hoặc công ty quảng cáo lớn ở nước ngoài, sau đó khai thác ngân sách tín dụng có sẵn của những tài khoản này để chạy”, anh Duy nói. Các công ty bị hại ở nước ngoài sẽ phải trả số tiền quảng cáo này cho Facebook mà không hay biết. Đến lúc phát hiện ra, họ cũng mất thời gian kháng cáo, sau đó mới được hoàn tiền. Vì thế, các đơn vị cung cấp thường yêu cầu người mua phải chạy với ngân sách rất lớn để họ tiêu được nhiều tiền nhất trong thời gian ngắn nhất, đạt mức tín dụng nhanh nhất trước khi bị phát hiện.
“Có nhiều cách để các bên cung cấp dịch vụ có các tài khoản quảng cáo invoice này. Họ có thể mua các tệp data có sẵn thông tin đăng nhập của hàng nghìn tài khoản Facebook, trong đó có những tài khoản quản lý trang quảng cáo. Một cách khác phổ biến hơn là tạo các trang web hay ứng dụng phishing, dụ người dùng nhập mật khẩu Facebook”, Quang An, chủ một công ty quảng cáo online tại Hà Nội, chia sẻ.
Theo anh An, các shop online mua quảng cáo dạng này tiết kiệm được tương đối nhiều ngân sách, nhưng hệ lụy là khi bị Facebook phát hiện, nền tảng này sẽ chặn, ảnh hưởng đến việc bán hàng. Ngoài ra, đây là hành vi tiếp tay cho việc “ăn cắp” tiền quảng cáo, khiến Facebook sẽ mạnh tay với các tài khoản bán hàng ở Việt Nam hơn. Hồi cuối năm 2020, giới quảng cáo online tại Việt Nam cho biết Facebook đã “quét” và xóa hàng loạt quảng cáo từ Việt Nam vì phát hiện ra chiêu trò gian lận này.
Những hành vi gian lận cần lên án
Theo “tố cáo” từ Facebook, tháng 10-2020, 4 đối tượng người Việt đã đưa lên kho ứng dụng trực tuyến chính thức Google Play của hệ điều hành Android phần mềm có tên Ads Manager (quản lý chiến dịch quảng cáo).
Cuối tháng 12-2020, các đối tượng bắt đầu tiến hành đổi tên ứng dụng của mình thành “Ads Manager for Facebook” song song với chạy quảng cáo trên chính nền tảng của mạng xã hội này. Đối tượng chiến dịch quảng cáo nhắm đến người dùng ở Mỹ, châu Âu, Ấn Độ và Brazil.
Theo tài liệu từ Facebook, chỉ sau 4 ngày chạy chiến dịch, khoảng 1.700 người dùng đã bấm vào quảng cáo.
Những người dùng ứng dụng nêu trên chủ yếu là nhân viên các đại lý quảng cáo hoặc những người hay thực hiện chạy các chiến dịch quảng cáo trên Facebook cho những chương trình riêng của mình (quảng cáo bán hàng, livestream, sản phẩm…).
Khi sử dụng ứng dụng “Ads Manager for Facebook”, họ phải dùng tài khoản chạy quảng cáo (thường gắn liền với tài khoản Facebook) của mình để đăng nhập. Khi đó, các thông tin đăng nhập (gồm tên tài khoản, mật khẩu, xác thực) của nạn nhân sẽ được gửi về tài khoản quản lý ứng dụng của các đối tượng trên.
Thủ đoạn trục lợi hàng chục triệu USD từ facebook
Khi có được thông tin cần thiết, các đối tượng trên sẽ đăng nhập và sử dụng các tài khoản của nạn nhân để chạy các chương trình quảng cáo của mình trên Facebook.
Thông thường, các tài khoản chạy quảng cáo đều được tích hợp sẵn thông tin của các thẻ thanh toán quốc tế (Visa, Mastercard…) của chủ tài khoản với chức năng thanh toán tự động trong quá trình chạy quảng cáo.
Theo chia sẻ của nhiều chuyên gia trong ngành, đây chính là kẽ hở để các đối tượng nêu trên trục lợi hàng chục triệu USD.
Sau khi có quyền truy cập vào tài khoản quảng cáo của nạn nhân, những người này sử dụng ngân sách có sẵn để tạo hơn 10 nghìn quảng cáo, bán các sản phẩm như áo thun, cốc in hình, hoặc cho shop online thuê lại.
Theo báo cáo của công ty bảo mật Arkose Labs, các cuộc tấn công chiếm đoạt tài khoản dạng này khiến các công ty tại Mỹ thiệt hại hàng tỷ USD trong năm 2020. Hơn 50% các cuộc tấn công như vậy xuất phát từ châu Á, nhiều nhất là từ Việt Nam.
Với nhiều người bán hàng thì đây là thương vụ rất hời, nhưng chẳng mấy người nghĩ đến những hệ lụy của nó, đúng là chỉ vì một vài con sâu, mà giờ đây việc quảng cáo tại thị trường Việt Nam gặp muôn vàn khó khăn, Đó là lý do vì sao người Việt trong mắt Facebook là cực kì đáng nghi ngờ. Số nhỏ này gian lận nhưng cả một cộng đồng phải chịu hệ lụy. Ví dụ dễ thấy nhất hiện tại là những tài khoản quảng cáo Facebook mới tại Việt Nam có thể bị khóa mà không có bất kì lý do nào, thậm chí bạn có thể bị khóa tài khoản khi chỉ vừa bấm nút gửi quảng cáo. Faceboọk cũng hạn chế hạn mức tín dụng của các tài khoản quảng cáo mới ở Việt Nam ở mức thấp đến mức bạn có thể nhận tới 20 cái hóa đơn cho quảng cáo chỉ 5 triệu đồng.\
Và nhìn rộng hơn thì việc tiêu thụ tài sản trộm cắp là trái với pháp luật, trái với đạo đức, sẽ có ngày phải gánh chịu hình phạt, nên các bạn chớ dại gì mà thuê những quảng cáo như vậy nhé!
Xem thêm:
Tại sao Facebook có màu xanh? Sự thật thú vị ít ai biết về nó