Cho trẻ dưới 1 tuổi ăn – sai lầm bố mẹ khiến con gặp nguy hiểm

Trẻ dưới 1 tuổi rất cần được chăm sóc tỉ mỉ, nhất là việc ăn uống. Bởi cơ thể non nớt của bé vẫn đang trong quá trình hoàn thiện chức năng của các bộ phận trên cơ thể. Vì vậy, các mẹ cần chọn lọc những thực phẩm phù hợp với trẻ và nên tránh những loại thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển, thậm chí nguy hại đến tính mạng của trẻ. Nếu cha mẹ không tìm hiểu kỹ, rất có thể sẽ hại con bằng chính những gì mình nấu ra.

Muối

Cho muối vào đồ ăn của trẻ
Không nên nêm muối vào thức ăn của trẻ dưới 1 tuổi

Thận trẻ dưới 1 tuổi chưa thể thích ứng được với những đồ ăn có nhiều muối, như: pho mát, xúc xích, thịt hun khói, đặc biệt, không nêm muối vào cháo, bột của trẻ. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, không nên cho trẻ dưới 1 tuổi dùng quá 0,4g muối mỗi ngày. Đối với những bé bú mẹ thì không cần thiết phải thêm muối vào thức ăn vì trong sữa mẹ đã có đủ lượng muối cần thiết cho bé. Trong các thực phẩm tự nhiên như thịt cá, hoa quả, ngũ cốc, trứng… cũng đã có đủ lượng muối cần thiết của cơ thể bé. Việc cho muối vào thức ăn của trẻ trong thời điểm này có thể gây ảnh hưởng đến thận cũng như sự phát triển não bộ của trẻ. Thận của bé chưa hoàn thiện về mặt chức năng, việc dùng muối có thể là gánh nặng cho thận, chưa kể thận chưa đủ khả năng xử lý được lượng muối lớn trong cơ thể, có thể gây ứ đọng muối dẫn đến cao huyết áp, phù thũng, rối loạn nhịp tim,… Ngoài ra, cũng có những bằng chứng cho thấy ăn nhiều muối trong giai đoạn ăn dặm sẽ gây tổn thương não bộ.

Đường

Thực phẩm nhiều đường có thể làm bé giảm hấp thụ chất dinh dưỡng, giảm sức đề kháng, giảm phát triển chiều cao và đối mặt với chứng béo phì sau này. Các thực phẩm và thức uống có đường thường chứa nhiều chất ngọt nên hay làm sâu răng khi răng trẻ mới mọc. Chỉ nên thêm đường vào thực phẩm khi thực sự cần thiết. Trẻ dưới 1 tuổi tốt nhất không cho dùng các loại bánh ngọt, bích quy, kẹo, kem. Ngoài ra, cho trẻ ăn đường sẽ gây cho trẻ cảm giác ngang dạ, chán ăn, không thèm ăn khi vào bữa chính

Hải sản có vỏ

Các loại hải sản có vỏ như tôm, cua, sò, ốc… là thực phẩm rất dễ gây dị ứng, vì vậy các bác sỹ khuyên các mẹ không nên cho bé dưới 1 tuổi ăn hải sản, các mẹ chỉ nên cho trẻ ăn sau năm đầu đời. Trước khi cho bé ăn, các mẹ nên hỏi ý kiến bác sỹ cũng như tìm hiểu xem trong gia đình có ai bị dị ứng với hải sản không.

Trẻ dưới 1 tuổi ăn
Không nên cho trẻ nhỏ dưới 1 tuổi ăn hải sản có vỏ

Mật ong

Các chuyên gia khuyến cáo không được cho trẻ nhỏ dưới 1 tuổi dùng mật ong, vì mật ong dễ bị vi khuẩn tấn công, sinh sôi nảy nở và thải ra chất độc. Bởi vì, trong mật ong có chứa lượng đường rất lớn và chứa bào tử của Clostridium botulinum có thể gây ngộ độc, táo bón, hôn mê ở trẻ sơ sinh. Vì vậy, không nên cho trẻ dưới 1 tuổi sử dụng mật ong để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của trẻ.

Các loại phô mai mềm

Nguy cơ nhiễm khuẩn listeria khi ăn loại phô mai này là rất cao. Nếu cần, mẹ có thể cho trẻ ăn phô mai cứng hoặc kem phô mai để bổ sung thêm canxi, vừa an toàn với trẻ, lại vừa là nguồn cung cấp canxi tuyệt vời.

Pate gan động vật

Vi khuẩn listeria có thể đang ẩn nấp trong loại thực phẩm này, và rất dễ làm bé bị ngộ độc. Hàm lượng vitamin A quá cao trong pate gan rõ ràng cũng không tốt cho sự phát triển của bé.

Sữa tươi/sữa bò

Trẻ uống sữa
Không nên cho trẻ nhỏ dưới 1 tuổi uống sữa tươi/sữa bò

Trong sữa tươi có rất nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt hàm lượng đạm còn cao gấp đôi so với sữa mẹ. Trẻ dưới 1 tuổi, hệ tiêu hóa của trẻ không đủ khả năng để chuyển hóa đạm, khiến thận và dạ dày của trẻ bị “quá tải”, gây đầy bụng, khó tiêu…Mặc dù nhiều loại sữa công thức có nguồn gốc từ sữa bò, nhưng bố mẹ không nên dùng sữa bò là đồ uống cho bé dưới 1 tuổi.  Bên cạnh đó, sữa bò quá ít kalo và vitamin nên không đáp ứng đủ nhu cầu phát triển của bé.

Các loại hạt kích thước nhỏ

Trái cây nhỏ và các loại hạt như đậu phộng, hạt dưa, hạt hướng dương, nho cả quả, hoa quả khô,… dù có thành phần dinh dưỡng cao song với kích thước nhỏ bé của chúng lại dễ dàng khiến trẻ bị ngạt thở khi ăn. Các mẹ nên cắt thật nhỏ và nấu thức ăn cho bé tới khi chín mềm mới được cho bé ăn.

Dâu tây

Dâu tây cũng là một trong các thực phẩm trẻ dưới 1 tuổi không nên ăn. Đối với trẻ sơ sinh thì đây không phải là một sự lựa chọn thông minh. Dâu tây không chỉ chứa nhiều axit ảnh hưởng lớn đến dạ dày và ruột của bé mà còn có thể gây kích ứng như nổi rôm sảy.

Lòng trắng trứng

Bé ăn trứng
Khi nấu trứng cho bé cần tách lòng trắng trứng để tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ của bé

Khi chế biến thức ăn cho trẻ dưới 1 tuổi, mẹ nên tách lòng trắng ra để riêng và chỉ cho bé sử dụng lòng đỏ vì trong lòng trắng trứng có lượng protein khá cao có thể khiến bé bị dị ứng trong khi hệ miễn dịch và sức đề kháng của bé còn rất yếu. Ăn lòng trắng trứng có thể khiến trẻ nổi mề đay, chàm và một số bệnh khác. Tốt nhất, mẹ chỉ nên cho con ăn lòng trắng trứng khi trẻ đã được 1 tuổi trở lên để tránh tình trạng dị ứng.

Trẻ dưới 1 tuổi cần phải chú ý đặc biệt đến các thực phẩm khi cho trẻ ăn vì các bộ phận trên cơ thể của con chưa thực sự hoàn thiện. Cho bé dưới 1 tuổi ăn không chú ý nhiều khi chính là sai lầm rất nghiêm trọng của bố mẹ ảnh hưởng đến sự phát triển của con.

5/5 (9 Đánh giá)

Bài viết cùng chủ đề: