Câu chuyện về chiếc bình gốm nứt
Một ông già nọ có 2 chiếc bình gốm lớn, mỗi ngày ông đều dùng 2 chiếc bình đó để ra suối gánh nước về nhà, mỗi bình được ông cột vào một đầu của đòn gánh. Một bình còn rất tốt và không bị rỉ chỗ nào, nhưng chiếc bình còn lại có một vết nứt, nên mỗi lần gánh nước sau quãng đường từ suối về nhà, nước bên trong chỉ còn lại một nửa. Dù vậy, ông ta vẫn sử dụng cả 2 bình nước ấy suốt 1 thời gian dài, dù biết rằng lượng nước mang về trong một bình chỉ còn phân nửa. Và, lẽ dĩ nhiên, chiếc bình tốt rất hãnh diện về sự hoàn hảo của mình, trong khi chiếc bình gồm nứt vô cùng xấu hổ và cảm thấy có lỗi.
Một ngày nọ, khi ra đến suối, chiếc bình nứt nói với người chủ: “Thưa chủ nhân, tôi rất xấu hổ về bản thân không được toàn vẹn và muốn xin lỗi ông. Suốt thời gian qua, do vết nứt của tôi mà nước đã bị rỉ trên đường, nên dù chủ nhân đã gánh nước thật vất vả nhưng kết quả lại không được như mong muốn”.
Người chủ nghe xong, liền đáp: “Lát nữa, khi chúng ta về nhà, ta muốn ngươi hãy nhìn những bông hoa mọc bên đường”.
Nghe lời chủ nhân, chiếc bình nứt đã chú ý đến những bông hoa khoe sắc mọc dọc theo đường về nhà. Điều này khiến nó cảm thấy khá hơn đôi chút. Nhưng, khi gần về đến nhà, nó vẫn cảm thấy rất tệ bởi nước đã rỉ ra rất nhiều; một lần nữa, nó lại cất lời xin lỗi.
Lần này, người chủ nói: “Ngươi có nhận ra rằng, các bông hoa kia chỉ mọc ở một bên đường, bên phía của ngươi không?”
“Thật ra, ta đã biết về vết nứt của ngươi, nên ta đã gieo một số hạt hoa trên đường, bên phía của ngươi. Mỗi ngày, khi gánh nước về nhà, ta đã tưới chúng bằng chính nước từ chỗ nứt của ngươi. Nhờ đó, mà ta có thể hái các bông hoa ấy về nhà. Cũng thoải mái khi ngắm hoa trên đường về cho đỡ mệt nhọc, nếu không có vết nứt của ngươi, ta đã không thể có những bông hoa đẹp đẽ như thế”.
Bài học về cách dùng người
Chiếc bình gốm nứt cũng giống như rất nhiều người, hầu hết ai cũng có những khuyết điểm, dưới góc nhìn quản trị, nếu bạn là chủ 1 doanh nghiệp, hãy biết tận dụng những yếu điểm của nhân viên, để tạo ra các giá trị khác chứ đừng quá cứng nhắc và mong muốn mọi người toàn diện, như vậy bạn vừa có thể tạo điều kiện cho nhân viên, vừa tận dụng để tạo ra nguồn lực.
Ví dụ trong công ty bạn, có một vài bạn nhân viên kinh doanh dù không có đầu óc tinh ranh nhưng có sức khỏe tốt, thì có thể để các bạn ấy vừa kinh doanh kiêm bốc dỡ hàng, hoặc một số bạn saler khác cũng không xuất sắc nhưng có khả năng hội họa, thiết kế thì có thể tranh thủ thời gian rảnh rỗi để các bạn ấy thiết kế các ấn phẩm quảng cáo, marketing…
Vậy đấy, hãy tận dụng những thứ tưởng chừng như có hại, để tạo ra những thứ giá trị khác, hãy luôn sáng suốt và luôn nhớ, cái gì sinh ra cũng có giá trị của nó, và mọi việc xảy ra đều là bởi nó nên xảy ra.
Xem thêm:
Khởi nghiệp – Đặt tên thương hiệu và những sai lầm cần tránh