Chắc hẳn có đôi lần bạn đã bắt gặp trường hợp không thể truy cập, từ chối truy cập khi vào các website thương mại điện tử của nước ngoài, hay kể cả các trang MXH trực tuyến như YouTube Premium cũng không khả dụng ở Việt Nam. Hay rất nhiều game nước ngoài chặn truy cập từ IP Việt Nam, tại sao lại như thế?
Nếu chưa tin thì bạn thử sử dụng bất kỳ máy tính hoặc smartphone có kết nối mạng (không dùng VPN hoặc các phương thức thay đổi IP) và truy cập vào website của các chuỗi cửa hàng Nordstrom, HauteLook hay Costco, ta dễ dàng nhận được một thông báo như dưới đây:
Bạn có thắc mắc “Tại sao tôi lại bị chặn truy cập các trang web nước ngoài?”, đặc biệt là khi chỉ cần fake địa chỉ IP sang nước khác như Pháp, Anh, Mỹ… thì những trang web trên vẫn có thể truy cập bình thường và “thân thiện” chào đón?
Thậm chí kỳ quặc hơn, có nhiều trường hợp người dùng tại Việt Nam vẫn truy cập trang web thương mại điện tử nào đó ở ngước ngoài bình thường, nhưng khi thanh toán bằng thẻ tín dụng thì yêu cầu lại bị từ chối?
Không chỉ các website thương mại điện tử, nhiều tựa game nổi tiếng cũng chặn IP của người chơi Việt Nam. Thậm chí có cả hãng game nước ngoài là NEXON từng thẳng tay chặn IP Việt khỏi các game online của họ. Vậy vì sao lại có hiện tượng này? Lý do gì mà IP Việt Nam bị kỳ thị như thế? Hãy cùng quay vòng lịch sử để tìm hiểu nguyên nhân!
Tại sao người Việt bị chặn truy cập các trang web nước ngoài?
IP Việt Nam từ lâu đã mất uy tín đối với các nhà bán hàng trên thế giới vì nhiều hành vi phạm pháp hoặc lách luật vì lịch sử không mấy trong sạch của nhiều người dùng tại Việt Nam – Nói ra lại tự ái nhưng hãy xem cách một số người Việt Nam khôn vặt và lươn lẹo:
Thử tra Google với từ khóa “nạn CC chùa” (credit card chùa), ta bắt gặp vô số vụ án liên quan đến việc các hacker Việt Nam đánh cắp thông tin thanh toán và thẻ tín dụng của người nước ngoài để mua sắm và chi trả các dịch vụ trực tuyến. Thậm chí, từng có hacker Việt Nam bị tù tới 7 năm tại Mỹ vì hành vi thu lợi bất chính này.
Khi thông tin thanh toán bị đánh cắp như vậy, lẽ dĩ nhiên là khổ chủ sẽ phải khiếu nại lên đơn vị bán hàng. Việc này dẫn đến hàng loạt những hậu quả tai hại như phải bồi thường, kiện tụng… vô cùng phiền phức và thiệt hại vô cùng lớn cho các nhà bán hàng.
Nếu chỉ là những hành vi tự phát, hiếm gặp thì không có gì đáng nói vì ở đâu cũng có người nọ người kia, nhưng điều khiến cho nhiều website bán hàng “ngứa mắt” với IP Việt Nam là vì vấn nạn “CC chùa” diễn ra phổ biến với đa số người dùng. Thậm chí, nó còn trở thành “nghề” phổ biến trên Internet, đến mức mà giai đoạn trước, có nhiều diễn đàn, hội nhóm cả kín cả công khai liên tục thảo luận và chia sẻ cách hack tài khoản tín dụng của người nước ngoài.
Hậu quả tất yếu là hàng triệu USD thiệt hại cho những nhà bán hàng và người dùng thẻ tín dụng quốc tế. Nhiều vụ án lớn nhỏ bị phá và thủ phạm toàn là những hacker trẻ tuổi người Việt Nam.
Với chừng ấy “chiến tích” với bạn bè quốc tế, không có gì lạ khi nhiều website thương mại điện tử lại e dè người dùng và IP Việt Nam đến thế.
Việc này không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến những người có nhu cầu mua hàng chân chính tại Việt Nam, mà còn ảnh hưởng đến những người có mong muốn bán hàng trên các web thương mại điện tử quốc tế.
Ngoài lý do chính trên, các website này còn có thể chặn hoặc giới hạn hoạt động của người dùng tại Việt Nam đơn giản vì chính sách và chiến lược bán hàng riêng. Lấy ví dụ ông lớn Amazon, dù là sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới, vẫn chưa xâm nhập thị trường Việt Nam và việc người Việt Nam mua hàng trở nên rất khó khăn, đơn giản là vì thị trường Việt Nam còn nhỏ và không mấy hứa hẹn.
Những hành vi kém văn minh từ cộng đồng Game thủ
Nếu như các website thương mại điện tử chặn IP Việt Nam đa phần vì các lý do an ninh và các hoạt động hack thẻ phi pháp, thì các tựa game online và các nhà phát hành game cũng đã nhiều lần phải cứng rắn chỉ vì ý thức kém của một bộ phận không nhỏ game thủ.
Theo đó, game thủ Việt đã “khét tiếng” trong cộng đồng game là toxic, có nhiều hành vi mang tính phá hoại như hack, cheat, lăng mạ, văng tục… Đã có rất nhiều game nổi tiếng như Đột Kích (CF) cũng phải đóng cửa tại Việt Nam vì 10 người chơi thì 9 người hack. Cứ hôm trước có bản cập nhật là ngay hôm sau có bản hack mới. Vậy ai chơi cho lại?
Thậm chí, những hành động “xâm nhập” vào game không thuộc thị trường của mình bằng cách “fake” IP, dùng VPN… cũng khiến các nhà phát hành game đau đầu.
Cũng có các lý do khác như các web thương mại điện tử, nhà phát hành game nước ngoài cũng hoàn toàn có quyền chặn IP Việt Nam khi xét thấy tựa game nào đó chưa phù hợp với thị hiếu hoặc thị trường. Hoặc chỉ đơn giản là chiến lược kinh doanh của họ.
Có thể thấy, việc bị chặn IP đúng là vô cùng thiệt thòi cho những người dùng Internet và game thủ chân chính khi phải chịu cảnh “con sâu làm rầu nồi canh”. Nhưng biết thế nào được, cho đến khi mà cộng đồng mạng Việt Nam nâng cao được ý thức và hình ảnh trong mắt bạn bè quốc tế, có lẽ chúng ta mới có thể hy vọng họ có những biện pháp nới lỏng “ngăn sông, cấm chợ” này!
Nguồn: Kenh14.vn