Điểm danh những lần “Phá sản” của Vin Group

Nhắc đến Vingroup thì hỏi cả cái Việt Nam này không ai là không biết đến như 1 tập đoàn giàu có, thịnh vượng nhất nước ta, Hệ sinh thái của Vin thuộc hàng đẳng cấp so với mặt bằng chung, từ nhà ở, phương tiện đi lại, khu nghỉ dưỡng, các chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi, trường học, bệnh viện… Trong thập kỷ qua, Vin đã dấn thân và rất nhiều ngành nghề với các mục đích khác nhau. Có rất nhiều dự án thành công, nhưng cũng có nhiều dự án đã âm thầm “Phá sản” ngay khi còn trứng nước.

Mặt thành công thì ai cũng nhìn thấy, còn mặt bại thì sao? hãy cùng Biết Tuốt nhìn lại những lần “Ngã ngựa” của Vin group nhé!

2021 – Dừng nghiên cứu, sản xuất điện thoại và tivi thương hiệu Vsmart!

Cách đây vài tháng, vào hồi tháng 2/2021, dư luận còn xôn xao thông tin Tập đoàn Vingroup mua lại mảng smartphone của LG. Tuy nhiên thương vụ bất thành do không đàm phán được về giá, song chỉ vài tháng sau, đầu tháng 5/2021, VinSmart công bố dừng sản xuất điện thoại.

Mới nhất là thông tin ngày 9/5/2021, Tập đoàn Vingroup đã chính thức công bố VinSmart sẽ dừng việc nghiên cứu, sản xuất tivi và điện thoại di động nhằm tập trung hoàn toàn cho VinFast. Điều này đồng nghĩa với việc người dùng sẽ không còn được chứng kiến sự ra mắt của bất kỳ mẫu smartphone hay TV nào mang thương hiệu Vsmart nữa.
VinSmart ra đời vào tháng 6/2018, khởi điểm là sản xuất điện thoại thông minh thương hiệu Vsmart. Sau gần 3 năm phát triển, Vsmart đã ra mắt thị trường 19 mẫu điện thoại và 5 mẫu TV.

Các dòng điện thoại Vsmart
Các dòng điện thoại Vsmart

“Việc sản xuất điện thoại hoặc ti vi thông minh đã không còn mang lại khả năng đột phá, tạo ra giá trị khác biệt cho người dùng. Trong khi đó, việc phát triển các dòng ô tô đặc biệt thông minh, các ngôi nhà thông minh, thậm chí kiến tạo các thành phố thông minh… sẽ mang đến rất nhiều lợi ích và những trải nghiệm vượt trội cho nhân loại. Vì vậy, chúng tôi quyết tâm dồn mọi nguồn lực cho mũi nhọn này” – ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết.

Cụ thể, sau khi dừng sản xuất smartphone, TV, VinSmart sẽ tập trung phát triển các tính năng thông tin – giải trí – dịch vụ (Infotainment); nghiên cứu thiết kế và sản xuất linh kiện điện tử, hệ thống tế bào pin điện, pin điện hoàn chỉnh, động cơ điện cho ô tô VinFast .

2020 – Vinpearl Air bị “Khai tử” ngay từ trong trứng nước

Vào giữa tháng 7/2019, Vingroup khẳng định sự hiện diện trong lĩnh vực hàng không với việc thành lập Công ty CP Hàng không Vinpearl Air , đăng ký đầu tư dự án theo mô hình hỗn hợp kết hợp giữa hãng hàng không truyền thống và chi phí thấp.

Mạng đường bay của Vinpearl Air bao gồm 62 đường bay nội địa và 93 đường bay quốc tế. Hãng này đặt ra mục tiêu kinh doanh đầy tham vọng từ khai thác tới việc “xuất khẩu” phi công.

Dự án vận tải hàng không Vinpearl Air có tổng vốn đầu tư lên tới 4.700 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 1.300 tỷ đồng, chiếm 27,66% tổng vốn đầu tư; vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác là 3.400 tỷ đồng, chiếm 72,34%.

Dự kiến, Vinpearl Air sẽ hoàn thành các thủ tục và đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của pháp luật để chính thức đưa vào vận hành, khai thác bay thương mại trong tháng 7/2020 với quy mô 6 tàu bay trong năm đầu tiên.

Vinpearl Air với tông màu tím chủ đạo sẽ không bao giờ xuất hiện
Vinpearl Air với tông màu tím chủ đạo sẽ không bao giờ xuất hiện

Tuy nhiên, Ngày 14/01/2020, Tập đoàn Vingroup đã gửi văn bản lên Bộ Giao thông vận tải, công bố chính thức rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không nhằm tập trung tối đa nguồn lực cho mục tiêu chiến lược là Công nghệ và Công nghiệp. Thông tin này gây sốc vì trước đó, Vinpearl Air được quảng cáo rầm rộ với lộ trình rất chuyên nghiệp để thực hiện ước mơ chinh phục bầu trời.

Theo Vingroup, quyết định trên không ảnh hưởng đến mảng đào tạo phi công do Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành Hàng Không VinAviation đảm nhiệm. Khóa Đào tạo đang triển khai vẫn tiếp tục được duy trì với đầy đủ những cam kết đã có với học viên.

Phát biểu về quyết định trên – ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết: “Thị trường Hàng không Việt Nam rất tiềm năng và đang phát triển mạnh, nhưng cũng có các Công ty lớn đang tham gia.

Việc Vingroup đầu tư mạnh vào hàng không có thể dẫn đến dư thừa nguồn cung, gây lãng phí cho xã hội, đồng thời chúng tôi cũng cần tập trung nguồn lực cho việc phát triển mảng Công nghệ – Công nghiệp của mình, vì vậy chúng tôi quyết định rút lui”.

Việc Vingroup “từ bỏ” Vinpearl Air được coi là thông tin gây chấn động trong giới kinh doanh hàng không. Ngay từ khi được thành lập, giới chức ngành hàng không cũng như các chuyên gia đã có những bình luận rất tích cực về việc Vinpearl Air gia nhập thị trường. Thật đáng buồn cho nhiều “du lịch thủ” khi không có thêm những sự lựa chọn về hãng hàng không giá rẻ, chất lượng.

2019 – Chuỗi siêu thị lớn nhất Việt Nam VinMart được bán cho Masan

Ngày 3/12/2019, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan đã thỏa thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco nhằm tối ưu hóa thế mạnh hoạt động của mỗi bên, đồng thời tạo nên một tập đoàn hàng tiêu dùng – bán lẻ mới có sức cạnh tranh vượt trội và quy mô hàng đầu Việt Nam.

Theo nội dung thỏa thuận, Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp VinCommerce của Vingroup (bán lẻ), VinEco (nông nghiệp), Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan – Masan Consumer Holding (tiêu dùng) sẽ sáp nhập để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng – bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

VinMart được bán cho Masan
VinMart được bán cho Masan

Theo đó, Vingroup hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của công ty mới sau sáp nhập. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông. Thương vụ chuyển giao Vinmart cho Masan, Vingroup đang nỗ lực thay đổi định hướng, chiến lược phát triển tập trung vào công nghệ, công nghiệp – CEO của Vingroup khẳng định!

Đến ngày 1/4/2021, chuỗi siêu thị VinMart, cửa hàng VinMart+ thuộc Công ty VinCommerce và Công ty VinEco sẽ được đổi tên bằng cách thay chữ cái đầu V thành W – Winmart sau hơn một năm được chuyển nhượng về Masan. Màu sắc, nhận diện thương hiệu được cho sẽ không đổi.

Từ khi tiếp quản hệ thống VinCommerce, nhiều hoạt động tái cấu trúc hệ thống, bộ máy tổ chức đã được Masan thực hiện. Đến nay, hệ thống cũng ghi nhận sự ủng hộ của người dùng qua ứng dụng chăm sóc khách hàng, tăng nhiều quyền lợi cho khách hàng thành viên.

Chuỗi bán lẻ VinMart cũng được nhận diện với hệ thống hàng nhãn riêng như VinEco (rau, củ, quả công nghệ cao), VinMart Home (bông vải sợi và hóa mỹ phẩm), VinMart Care (mỹ phẩm chăm sóc cơ thể), VinMart Cook (thực phẩm chế biến), VinMart Goods (đồ dùng gia đình).

Theo giới thiệu trên website, sau 6 năm thành lập, đến nay đã có hơn 123 siêu thị VinMart và gần 3.000 cửa hàng VinMart+ phủ rộng khắp Việt Nam, đáp ứng đầy đủ nhu cầu trải nghiệm mua sắm từ bình dân đến cao cấp của mọi khách hàng.

 

2019 – Vingroup xóa sổ VinPro

Tháng 11/2018, Vingroup mua lại Viễn thông A với tuyên bố, đây là mắt xích giúp Tập đoàn có thể tăng cường khả năng phân phối các sản phẩm điện tử, công nghệ tự sản xuất, nhất là điện thoại.

Đến ngày 6/11/2019, website VienthongA.vn và VinPro.vn chính thức kết hợp dưới tên VinPro.vn. Trên mạng xã hội Facebook, fanpage của Viễn Thông A cũng đổi tên thành VinPro – thương hiệu trực thuộc tập đoàn Vingroup ra đời ngày 21/3/2015.
Cùng với sáp nhập chuỗi bán lẻ thiết bị công nghệ Viễn Thông A, tổng số hệ thống siêu thị điện máy của Vingroup nâng lên 242 cửa hàng.

Hệ thống bán lẻ công nghệ – điện máy VinPro gồm 2 mô hình kinh doanh VinPro và VinPro+. Trong đó, VinPro là các trung tâm công nghệ – điện máy, tọa lạc tại tất cả các trung tâm thương mại thuộc hệ thống Vincom. VinPro+ là chuỗi cửa hàng công nghệ tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn.

Hệ thống siêu thị điện máy Vinpro chết yểu
Hệ thống siêu thị điện máy Vinpro chết yểu

Tuy nhiên đến cuối tháng 12/2019, Vingroup bất ngờ giải thể toàn bộ hệ thống siêu thị điện máy VinPro, sáp nhập trang thương mại điện tử Adayroi và VinID để tập trung nguồn lực phát triển công nghiệp, công nghệ. Thông báo của Vingroup cho biết lĩnh vực bán lẻ không còn là ưu tiên cốt lõi của Tập đoàn. Như vậy chỉ sau 4 năm hoạt động, cái tên VinPro đã chính thức bị xóa sổ.

Còn việc sáp nhập Adayroi với ứng dụng VinID không chỉ giúp dữ liệu hóa hành vi người dùng mà còn tạo ra nền tảng mới, trong đó khách hàng là trọng tâm với mục tiêu dự đoán đúng nhu cầu, đáp ứng chính xác và kịp thời hơn mong muốn của khách hàng với chất lượng dịch vụ tốt nhất.

Vinpro đã từng được sự ủng hộ rất lớn nhưng vẫn phải đóng cửa
Vinpro đã từng được sự ủng hộ rất lớn nhưng vẫn phải đóng cửa

Sau Adayroi, tháng 2/2021, Vingroup cho ra mắt Vsmart Online – trang thương mại điện tử chuyên bán tất cả các sản phẩm do VinSmart sản xuất, trong đó có những sản phẩm chỉ mở bán độc quyền, bao gồm: máy lọc không khí, giải pháp nhà thông minh, tivi, điện thoại,… mang thương hiệu Vsmart.

 

2009 – Tập đoàn Tài chính Vincom vừa ra đời đã bị Phá sản

Năm 2007, ông Phạm Nhật Vượng từng có kế hoạch xây dựng một tập đoàn tài chính, gồm các mảng: ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và công ty quản lý quỹ.

Kế hoạch này đã được thực thi, theo đó Tập đoàn Tài chính Vincom gồm có các đơn vị thành viên: Công ty quản lý quỹ Vincom, Công ty chứng khoán Vincom (Vincom Securities), Công ty bảo hiểm Vincom, Ngân hàng Vincom.

Việc chạy đồng loạt 4 dự án cho thấy quyết tâm khá lớn của Vingroup đối với lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên, vào thời điểm cuối năm 2008, đầu năm 2009, khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra và Việt Nam cũng không tránh khỏi ảnh hưởng.

Tập đoàn tài chính Vincom chưa ra đời đã phá sản
Tập đoàn tài chính Vincom chưa ra đời đã phá sản

Đối diện tình thế này, ban điều hành Vingroup đã họp liên tục và rất nhanh chóng đưa ra quyết định dừng kế hoạch lập Tập đoàn Tài chính Vincom. Quyết định dừng này được đưa ra trong bối cảnh dự án ngân hàng Vincom đã có hàng trăm người được tuyển về, dự án bảo hiểm Vincom đã chuẩn bị xong toàn bộ chỉ chờ ngày ra mắt…

Đó hầu như là một cú sốc đối với những nhân sự đã được Vingroup mời về thực hiện kế hoạch đầy tham vọng trong lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên, ông Phạm Nhật Vượng, khi đó, đã nói rằng: “Khi chúng ta ở trên một con thuyền đi trên biển, gió bão đến, chúng ta sẽ phải vứt bỏ bớt những thứ không phải là cốt lõi để tự cứu mình. Với Vingroup, cốt lõi là bất động sản nên thời điểm này các anh bắt buộc phải giữ và cứu Vingroup bằng mảng bất động sản. Anh xin lỗi các bạn nhưng anh phải dừng dự án tài chính”.

Một cựu nhân viên của Vingroup hồi ức lại sự việc này cho biết khi quyết định dừng dự án được ban hành, công tác xử lý rất nhanh chóng và chuyên nghiệp: hệ thống máy tính bị khóa ngay (đề phòng việc xóa, sao chép dữ liệu), Vingroup đền bù hợp đồng lao động với mức trả từ 6 tháng – 1 năm lương cho toàn bộ nhân sự… Tất cả chỉ gói gọn trong một tuần!

Trong năm 2009 , Vingroup cũng đã mở ra và đóng lại không biết bao nhiêu dự án: VinDS (hệ thống cửa hàng quần áo, giày dép trong trung tâm thương mại Vincom), Vinlink, VinExpress (lĩnh vực logistics), Emigo (công ty thời trang VinFashion),…

Vậy là trong khoảng thời gian chỉ hơn 10 năm có lẻ, Tập đoàn Vin dưới sự dẫn dắt của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng đã không ít lần phá sản các dự án, có những dự án được cho là lớn và rất lớn. Tuy nhiên, dưới góc nhìn chuyên môn thì phải nói rằng Vin rất nhanh nhạy trong kinh doanh, và sẵn sàng khai tử các dự án được cho là không thể thực hiện tiếp, tập trung vào những mảng mới và đem lại lợi nhuận cao, vì thế mới có sự huy hoàng như ngày hôm nay, chứ không “cố đấm ăn xôi” hay “đâm lao thì phải theo lao” để rồi kéo theo là sập cả hệ thống.

Bài viết này chỉ thống kê những thất bại của Vin trong quá khứ, Còn những thành công to lớn thì sẽ đề cập ở bài viết khác. Mời các bạn đón đọc!

4.8/5 (12 Đánh giá)

Bài viết cùng chủ đề: