Thẻ chip ATM hoạt động như thế nào? Việt Nam đang đổi sang thẻ chip

Xài thẻ chip ATM lâu nay mà mình không để ý tìm hiểu cơ chế hoạt động của nó, tới nay mới lọ mọ đi Google. Mình viết lại những thông tin mình tìm hiểu được ở đây, mời mọi người cùng xem qua cho biết cái thẻ của mình nó hoạt động như thế nào nhé.

Thẻ từ hoạt động như thế nào?

Phía sau cái thẻ cũ của bạn có một dải màu đen, đó chính là nơi lưu trữ dữ liệu trên thẻ và dữ liệu được lưu theo hướng của các phân tử mang từ tính. Dữ liệu này bao gồm số tài khoản, ngày hết hạn hoặc ngày phát hành của thẻ, tên chủ thẻ, một số mã dịch vụ khác.

Thẻ từ hoạt động như nào

Theo bộ tiêu chuẩn ISO, dữ liệu từ được ghi thành 3 track, với độ dài dữ liệu khác nhau dùng cho các loại máy đọc khác nhau. Thường thì máy POS sẽ đọc dữ liệu của track 1 và 2. Bên dưới là ví dụ về dữ liệu lưu trong track 1.

Thẻ từ

Trước đây người ta dùng dải băng từ để lưu dữ liệu vì đây là giải pháp rẻ, đã có từ hàng chục năm nay và dễ áp dụng lên một tấm thẻ mỏng. Để ghi dữ liệu vào dải từ, người ta sử dụng một từ trường mạnh để đảm bảo dữ liệu vẫn còn đọc được trong thời gian dài.

Vấn đề của thẻ từ đó là nếu dải từ bị trầy, hoặc bị dính bẩn, hoặc dải từ bị “xóa” do tiếp xúc lâu với nam châm thì thẻ không còn dùng được nữa. Lúc đó máy POS không còn đọc và giải mã được dữ liệu trên thẻ, đồng nghĩa với việc bạn không thể thanh toán được. Khi nhét thẻ vào các thùng ATM thì máy cũng không đọc được thẻ.

thẻ từ có vệt đen

Ngoài ra còn có vấn đề bảo mật, cái này nghiêm trọng hơn và cũng là lý do quan trọng khiến thế giới dịch chuyển sang dùng thẻ chip thay cho thẻ từ. Dữ liệu của thẻ từ có thể dễ dàng bị đọc và sao chép bởi kẻ xấu thông qua các thiết bị copy dữ liệu, nên bạn sẽ gặp rủi ro nhiều hơn. Các thiết bị dạng này có thể được lắp vô những máy ATM như các ngân hàng đã từng cảnh báo, hay thẻ bạn bị trộm rồi kẻ xấu đem đi sao chép.

Thẻ chip ATM hoạt động như thế nào?

Thẻ chip có một con chip màu vàng hoặc màu bạc được nhúng vào mặt trước của thẻ. Trong con chip này chứa dữ liệu, cũng gần giống như thẻ từ, nhưng khác là dữ liệu này đã được mã hóa. Chỉ khi nào có một key giải mã phù hợp thì dữ liệu mới có thể được giải mã và sử dụng. Thế nên việc sao chép dữ liệu sẽ rất khó khăn.

thẻ chip hoạt động như nào

Ngoài ra, khi sử dụng với máy POS hay các đầu đọc thẻ chính thức nói chung, giao dịch của bạn cũng sẽ được sinh ra một chuỗi số ngẫu nhiên. Cứ mỗi lần giao dịch thì chuỗi này lại khác nhau. Thế nên nếu hacker trộm được thông tin của bạn thông qua một lần giao dịch thì những lần sau không thể xài được, giao dịch mới sẽ bị từ chối.

Một lợi ích nữa của thẻ chip đó là nó có thể chạy ngay cả với những máy POS không có Internet. Những máy POS dùng thẻ từ luôn cần có kết nối Internet để đảm bảo nhận được thông tin xác thực giao dịch từ tổ chức phát hành thẻ, trong khi máy POS và thẻ chip có thể chạy offline. Khi đó cuối ngày giao dịch sẽ được gửi về trung tâm và xử lý sau. Tuy nhiên việc có thể chấp nhận giao dịch offline hay không thì còn tùy vào ngân hàng chứ không phải ngân hàng nào cũng cho phép điều này.

Có 2 loại thẻ chip, Chip-and-PINChip-and-signature. Trong đó thẻ Chip-and-PIN yêu cầu nhập thêm mã PIN để có thể sử dụng, và Chip-and-signature thì cần có chữ ký của chủ thẻ. Tuy nhiên thẻ Chip-and-PIN phổ biến hơn và đang thay dần cho Chip-and-signature.

Thẻ chip cũng có thể dùng để thanh toán không chạm, tức là bạn không cần nhét thẻ của mình vô khe đọc, chỉ cần để gần là được, hoặc bạn để nguyên thẻ trong bóp tiền cũng ok luôn. Kết nối không dây NFC giữa máy POS và thẻ sẽ cho phép đọc dữ liệu và tiến hành các bước sau đó nhanh hơn một chút. Tuy nhiên không phải thẻ chip nào cũng hỗ trợ tính năng này nhé.

Thẻ chip có “bất tử” không?

Chắc chắn là không rồi. Một số thẻ chip vẫn có dải từ trên đó để có thể dùng tại những máy POS cũ chưa hỗ trợ công nghệ chip thì rủi ro vẫn thế.

Với các giao dịch không cần thẻ, chẳng hạn như mua sắm online, thì rủi ro của thẻ chip hay thẻ từ là như nhau, vì cơ bản hacker có thể trộm được thông tin từ bàn phím, từ hệ thống lưu trữ của các nơi mua sắm, hay thông qua các trung gian giao dịch… chứ không cần đụng tới thẻ của bạn.

Hoặc nếu bạn bị trộm thẻ, kẻ gian vẫn có thể sử dụng được thẻ chip của bạn như thường, giả định là hắn biết được mã PIN.

Và sẽ luôn có cuộc chiến giữa hacker với các tổ chức phát hành thẻ trong việc tìm ra cách khai thác các lỗ hổng bảo mật. Tiền của bạn ở đâu thì hacker sẽ có mặt ở đó mà thôi.

Việt Nam đang đổi sang thẻ chip ATM

Việt Nam đang đổi sang thẻ chip

Trong khoảng 1 năm nay, các ngân hàng đã bắt đầu liên hệ với khách hàng của mình về việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip theo quy định bắt buộc từ Ngân hàng Nhà Nước. Đa số ngân hàng đều miễn phí, một số thì miễn phí trong một thời gian nhất định. Nếu bạn chưa đổi thẻ từ sang thẻ chip, bạn hãy liên hệ ngay với ngân hàng để mình để tiến hành việc này vì trong tương lai không xa, các điểm giao dịch sẽ dần không còn chấp nhận thẻ từ nữa.

Với các thẻ phát hành trong 1 năm qua, khả năng cao là bạn đã nhận thẻ chip rồi. Nếu bạn đã có trong tay thẻ chip thì không cần đi đổi nữa.

Như ngân hàng TPBank mới đây có thông báo ngày 31/12/2021 sẽ ngưng hỗ trợ thẻ từ tại các điểm giao dịch. Các ngân hàng khác rồi cũng sẽ tới lúc thông báo như thế này tùy theo tình hình đổi thẻ chip và số lượng máy POS chấp nhận thẻ chip đã phổ biến tới đâu.

Xem thêm:

Con chip trên thẻ căn cước công dân có tác dụng gì?

Sao kê là gì? Có những loại sao kê tài khoản ngân hàng nào?

5/5 (4 Đánh giá)

Bài viết cùng chủ đề: