Dạy con sai cách của bố mẹ khiến trẻ thụ động nhiều hơn

 Có một thực tế hiện nay đang được nhiều người quan tâm là sự thụ động ở trẻ ngày càng nhiều. Những đứa trẻ thụ động không hề khó kiếm trong một xã hội mà các bố mẹ vẫn tiếp tục tạo nên những em bé thụ động bằng các công thức khác nhau. Bố mẹ có nghĩ rằng chính cách tiếp cận của mình đôi khi lại mang đến những tác động không như mong muốn không? Chủ động, độc lập, biết lắng nghe là những tố chất mà bậc cha mẹ nào cũng mong muốn con có được.Tuy nhiên, những điều này không tự nhiên hình thành ở một đứa trẻ mà cần sự kiên trì, đôi khi là sự “thi gan” của bố mẹ trong nhiều tình huống dạy dỗ con. Vậy sai lầm nào của bố mẹ hình thành nên những đứa trẻ thụ động?

Bao bọc con quá nhiều sẽ khiến chúng ngày càng thụ động

Thay vì hướng dẫn và cùng con làm những việc đơn giản thì bố mẹ luôn có tư tưởng “làm luôn cho nhanh”. Khi con có thể làm được những việc như tự xúc ăn thì việc của con vẫn chỉ là ăn và chơi thôi, dọn dẹp đồ chơi, đánh răng, cất quần áo, mặc đồ, đi dép… đã có mẹ. Tiếp tục với công thức hoàn hảo đó, lớn lên con chỉ cần học thật giỏi còn nấu cơm, giặt giũ, dọn nhà… không phải việc của con. Mấy việc vặt vãnh đó cha mẹ chỉ cần vài phút là xong, quá đơn giản và con chẳng cần bận tâm.

Thụ động ở trẻ
Trẻ được bao bọc quá nhiều sẽ trở nên thụ động

Kết quả là những đứa trẻ được nâng trong lòng bàn tay, được chăm chút từng ly từng tí đó sẽ hoàn toàn không biết cách phục vụ chính mình, đừng nói đến việc san sẻ, chăm sóc hay giúp đỡ người khác. Thói quen dựa dẫm, ỷ lại đã ăn sâu vào nhận thức khiến trẻ thụ động. Hãy tập cho con tự hoàn thành các công việc tùy vào độ tuổi và khả năng của bé, khuyến khích con tự lập để không trở thành một tầm gửi cả đời.

Không tin tưởng vào khả năng của con

Thường thì các bé này được chăm sóc rất kĩ càng với suy nghĩ: con còn bé. Hầu hết các bé như vậy sẽ có bố mẹ khó tính, kĩ tính nên thường không yên tâm để con làm. Chúng ta vô tình tạo cho bé sẽ yên trí với suy nghĩ: mình không thể làm, không biết làm, nên bé sẽ đợi hướng dẫn của bố mẹ.

Cho con kết quả thay vì dạy con cách làm khiến trẻ thụ động

Bố mẹ luôn nghĩ rằng phải hướng dẫn con tử tế trong mọi việc. Cha mẹ thường quên rằng, việc con nghĩ ra cách giải quyết đôi khi còn thông minh và sáng tạo hơn chúng ta nhiều. Các bố mẹ mà luôn nghĩ phải hướng dẫn, tạo nếp, thường con sẽ dễ rơi vào trạng thái thụ động vì con dần dần cũng sẽ nghĩ mình không nghĩ ra đâu, phải bố mẹ mới nghĩ ra. Hãy bình tĩnh nói “mẹ không biết, việc đó là việc của con mà” khi con chưa thực sự để tâm suy nghĩ đã hỏi cách giải quyết một vấn đề cá nhân. Chính câu trả lời và thái độ dứt khoát của bố mẹ sẽ thôi thúc con phải tự mình tìm hiểu và nghĩ ra cách giải quyết tình huống, dần dần hình thành và phát huy tính chủ động của trẻ.

Dạy con chủ động
Dạy con trong mọi việc thay vì đưa luôn kết quả cho con

Nhắc con quá nhiều cũng khiến trẻ thụ động

Bố mẹ liên tục nhắc nhở là một trong những nguyên nhân lớn khiến trẻ thụ động và ỉ lại. Đừng nghĩ đến việc “không nhắc thì nó không học”… Hãy nghĩ xa hơn, con không học, cô phạt thì sẽ rút kinh nghiệm và học hành tự giác hơn. Hãy tạo cơ hội để con tự biết lo cho bản thân và chủ động làm mọi việc thay vì chờ được nhắc nhở.

Xót con mà đáp ứng mọi nhu cầu của trẻ quá nhanh

Đây là lỗi rất phổ biến của các bậc cha mẹ. Nhưng xót con thường gây ra hậu quả và ít mang lại điều tốt lành. Đơn giản, với những đứa trẻ, nếu cha mẹ xót con mà không cho con làm việc gì thì con sẽ vụng về, thụ động. Những đứa trẻ thụ động lớn lên trong sự “xót xa” thường xuyên của cha mẹ chắc chắn sẽ càng lúc càng tạo ra nhiều cơ hội cho đấng sinh thành phải “xót lòng” vì chúng.

Đôi khi con còn chưa kịp nói các yêu cầu của mình, cha mẹ đã tư hiểu và làm cho trẻ rồi. Mọi thứ với trẻ quá dễ dàng, trẻ mất dần khả năng vượt khó, không biết cách vượt qua những trắc trở trong tương lai. Khi vấp ngã, những đứa trẻ này sẽ có nhu cầu tìm kiếm sự trợ giúp bên ngoài thay vì nỗ lực bản thân để vượt lên.

Dùng bạo lực khi dạy con

Dạy con
Sử dụng bạo lực để dạy con sẽ khiến chúng càng thụ động

Trong nhiều trường hợp, đối với nhiều bậc cha mẹ, khi không thể thuyết phục bé làm theo yêu cầu bằng lời nói, cha mẹ cũng sẵn sàng sử dụng bạo lực như đánh, mạt sát, nạt nộ để khiến bé buộc phải thay đổi. Đó là công thức đầu tiên biến đứa trẻ đang tràn đầy năng lượng khám phá, và sự háo hức với các ý tưởng mới mẻ dần trở nên ù lì và khép mình lại. Bạo lực là cách nhanh nhất để đạt được mục đích nhưng cũng là cách nhanh nhất xây nên bức tường ngăn cách giữa cha mẹ và con cái, đồng thời là cách nhanh nhất bào mòn sự tự tin, dập tắt niềm vui sướng của trẻ khiến trẻ trở nên thụ động.

Hạn chế sự giao tiếp của trẻ làm chúng ngày càng mất đi sự chủ động

Điều này thường thấy ở những gia đình có con là các bé gái. Vì lo lắng ngoài xã hội có quá nhiều kẻ xấu, quá nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển tính cách hoặc đe dọa sự an toàn của con mà nhiều gia đình hạn chế trẻ giao lưu, cố gắng để con trong một cái lồng an toàn. Việc chỉ được tiếp xúc với một số ít người được chọn lọc sẽ khiến trẻ thu hẹp khả năng nhận thức, và giao tiếp của trẻ. Mọi mối quan hệ của trẻ được hình thành dưới sự sắp đặt cẩn thận của cha mẹ làm bé mất đi sự chủ động và kỹ năng làm quen, nhìn nhận các mối quan hệ phong phú, phân biệt phải trái, đúng sai.

Lạm dụng quá nhiều các thiết bị điện tử làm trẻ thụ động

Chủ động ở trẻ
Không nên cho trẻ tiếp xúc quá nhiều với thiết bị điện tử

Thiết bị điện tử giống như những bảo mẫu thời công nghệ của nhiều gia đình. Bé không chịu ăn, không chịu uống thuốc đã có ipad, bé không chịu ngồi yên cho mọi người làm việc đã có TV… Những chương trình phim hoạt hình, những trò chơi điện tử… có sức hút cực kì mạnh mẽ, có thể khiến trẻ mải mê hàng giờ không biết chán, rảnh rỗi cho cha mẹ xem phim, làm việc nhà hay nghỉ ngơi. Tuy nhiên, chìm đắm trong thế giới ảo có thể biến trẻ thành những em bé ngại tiếp xúc, không ưu vận động, không hứng thú với những trò chơi đời thực như nhảy dây, trốn tìm… Lười vận động, dành quá nhiều thời gian dán mắt vào máy tính làm trẻ lù lì, thụ động, chậm chạp và thiếu năng lượng.

Mỗi hành động và ứng xử của cha mẹ luôn để lại dấu ấn trong suy nghĩ và hành vi của trẻ. Bởi vậy, nếu không muốn con trở thành đứa trẻ thụ động, trước tiên các bậc phụ huynh hãy luôn chủ động khước từ những yêu cầu của con một cách phù hợp và nhất quán. Đừng quá sẵn sàng trợ giúp trẻ, đừng coi thường khả năng của chúng, càng không nên biến con thành cái máy và mình là người điều khiển. Bởi tự lập, tự giác chính là thái cực đối ngược của sự thụ động và ỉ lại.

5/5 (9 Đánh giá)

Bài viết cùng chủ đề: