Tục đốt vàng mã – Phong tục hay hủ tục?

Người trần quan niệm, ” trần sao âm vậy” nên khi có người thân trong gia đình mất thì ra sức đốt vàng mã, nhà lầu, xe hơi với mong muốn người thân của mình có cuộc sống xa hoa nơi suối vàng. Có người thì mỗi năm đi chùa đền cũng phải cúng đến hàng mâm vàng mã với mong muốn được  ban phước lành. Tất nhiên những mong muốn của người trần mắt thịt là không sai, nhưng cách làm thì có đúng hay không? hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây!

Nguồn gốc ra đời của tục lệ đốt vàng mã

Theo các nhà nghiên cứu Phật giáo, tục đốt vàng mã không phải là quan niệm của đạo Phật. Tục đốt, rải vàng mã của người Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc. Cũng dễ hiểu bởi dưới ách đô hộ cả nghìn năm, thì phong tục tập quán tất nhiên bị ảnh hưởng.

Cụ thể, theo Hòa thượng Tố Liên, trong kinh Dịch nhà Nho có viết về tục chôn người chết của người Trung Quốc về đời thượng cổ. Một khi có người chết cứ để thế đem chôn, không quan không ván. Đến đời vua Hoàng Đế (267 trước Tây lịch) cho rằng, con cháu đối với ông bà, cha mẹ trong việc mai táng cẩu thả như thế là thiếu bổn phận, mới sai ông Xích Xương sáng chế ra quan tài, quách để chôn cất người chết.

Trải qua các triều đại, việc chôn cất và mai táng người chết tiếp tục có nhiều thay đổi. Đáng chú ý là đời nhà Chu (1.122 trước Tây lịch) có một quy định khi họ chết đi thì tất cả những vật dụng quý giá của họ khi còn sống kể cả thê thiếp, thuộc hạ được sủng ái cũng đều phải chôn theo.

Vàng mã là giả nhưng để mua phải mất tiền thật
Vàng mã là giả nhưng để mua phải mất tiền thật

Về sau, tục lệ chôn sống thê thiếp, người hầu kẻ hạ cùng với người chết được bãi bỏ bởi ảnh hưởng tư tưởng của các nhà Nho tiến bộ, họ coi việc tuẫn táng người sống với người chết là vô nhân đạo, và được thay thế bằng Sô linh (người bện bằng cỏ). Đến năm Nguyên Hưng nguyên niên (105) đời Hán Hoa, ông Thái Lĩnh tìm ra được cách làm giấy bằng vỏ cây dó, giẻ rách…

Bắt đầu từ khi có giấy, ông Vương Dũ nghĩ đến việc biến chế vàng bạc, áo quần… bằng giấy thay cho đồ thật để đốt đi khi tang ma, tế lễ.

Ban đầu, việc sử dụng vàng mã chỉ áp dụng trong cung đình hoàng gia cho các vị Vua chúa, chưa được phổ biến rộng rãi trong dân chúng.

Đến triều vua Đạt Tôn nhà Đường (762) Phật giáo đang trong thời kỳ đạt thịnh. Lúc ấy, vị sư tên là Đạo Tăng nhân ngày rằm tháng Bảy (lễ hội Vu lan) muốn lôi kéo đại chúng về với Phật giáo bèn lợi dụng tục đốt vàng mã, tâu với vua Đạt Tôn rằng: “Rằm tháng Bảy là ngày xá tội vong nhân, vua Diêm Vương mở cửa xét tội phúc nên thông sức cho thiên hạ đến ngày ấy đốt cho thật nhiều vàng mã để kính biếu vong nhân”. Vua muốn được lòng dân nên thuận ý nghe theo.

Từ đó về sau, tục đốt vàng mã trở thành tập tục phổ biến trong dân gian. Và lưu truyền tới tận ngày nay. Hãy cùng tìm hiểu tiếp nào.

Tục đốt vàng mã trong Phật giáo

Trong giáo lý nhà Phật không có việc đốt vàng mã cúng tế người chết. Quan điểm Phật giáo hoàn toàn bác bỏ tục lệ mê tín này mà chỉ khuyên trong ngày Lễ vu lan thì nên ăn chay niệm Phật để tưởng nhớ và cúng những vong hồn lưu lạc một mâm cỗ chay để bố thí siêu sinh.

Đốt vàng mã tại đền chùa là trái giáo lý nhà phật
Đốt vàng mã tại đền chùa là trái giáo lý nhà phật

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có nhiều hành động quyết liệt nhằm chấn chỉnh các hoạt động lệch chuẩn tâm linh Phật giáo, trong đó có việc ban hành văn bản chỉ đạo việc không đốt vàng mã trong các cơ sở thờ tự, di tích và lễ hội. Tình trạng cúng, đốt vàng mã, do đó, đã được giảm thiểu một cách tích cực.

qua lời Phật dạy, chúng ta thấy rõ mỗi cõi có một cảnh giới riêng, không phải như suy nghĩ của chúng ta là “Trần sao âm vậy”. Chúng ta muốn cúng thí cho thân nhân đã khuất của mình thì nên theo lời Phật dạy, cúng tế đồ chay tịnh, cúng dường Tam Bảo, làm các việc thiện lành, rồi nương nhờ sức từ Tam Bảo hồi hướng cho họ được thọ hưởng. Đây là việc làm lợi ích cho người mất kẻ còn sống được phúc lạc.

Hệ lụy của tục đốt vàng mã

Trong quá trình phát triển, tục đốt vàng mã đang dần đi xa khỏi mục đích ban đầu tốt đẹp của nó, và đến bây giờ thì đã trở nên thái quá. Ngày xưa các cụ dạy “lễ bạc tâm thành”, đốt vàng mã là để con cháu nhớ đến tổ tiên, mong tổ tiên có được cuộc sống an lành ở thế giới bên kia, cầu mong và cũng là báo cho tổ tiên biết là con cháu sống yên ổn, ăn nên làm ra. Nhưng bây giờ ý nghĩa tốt đẹp đó đã nhường chỗ cho sự mê tín, cho rằng càng đốt nhiều càng được nhiều tài lộc, ganh đua nhau để đốt, “con gà tức nhau tiếng gáy”, nhà giàu có, nhà khó cũng cố theo, dẫn đến sự thái quá tràn lan trong toàn xã hội. Nhiều khi người ta quan niệm lễ vàng mã nhà mình phải to hơn nhà khác, nhưng tâm chưa chắc đã thành. Điều nguy hại nhất không phải là kinh tế, haymôi trường, mà là mê tín, và đang ngày càng bùng phát. Sự mê tín sẽ dẫn đến kém cỏi về mọi mặt.

Đốt vàng mã
Đốt vàng mã gây nhiều hệ lụy ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế

Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm cả nước đốt hơn 40.000 tấn vàng mã, tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng. Có báo còn thống kê số tiền lên đến 5000 tỷ đồng mỗi năm từ ngành kinh doanh vàng mã đủ thấy con số khủng khiếp như nào. Nếu như với số tiền ấy có thể xây hàng trăm cây cầu, trường học cho các trẻ em nghèo vùng sâu, vùng xa thì nó lại được đốt một cách vô tội vạ rồi chỉ còn lại tro bụi.

Cũng theo đó, hàng trăm vụ cháy đã xảy ra từ việc đốt vàng mã gây thiệt hại rất nhiều về tiền của, thậm chí có vụ chết 4 người do đốt vàng mã.

Lợi ích thì chưa thấy đâu, nhưng hệ quả thì đã thấy quá nhiều.

Không thành tâm, làm gì cũng vô ích

Chúng tôi đem chuyện nhà nhà mua vàng mã, người người đốt vàng mã cho người chết, hỏi các bậc cao tăng Phật giáo để biết rõ hơn việc này. Thượng tọa Thích Thanh Duệ, Phó Trưởng ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định: “Trong giáo lý nhà Phật không có việc đốt vàng mã cúng tế người chết. Quan điểm của đạo Phật hoàn toàn bác bỏ tục lệ mê tín này. Phật giáo chỉ khuyên trong ngày Lễ vu lan (báo hiếu cha mẹ) thì nên ăn chay niệm Phật để tưởng nhớ. Và làm Lễ xá tội vong nhân (cúng chúng sinh) – cúng những vong hồn lưu lạc một mâm cỗ chay để bố thí siêu sinh. Đồng thời, giúp đỡ những người nghèo khổ chốn trần gian, ăn chay niệm Phật và phóng sinh tích đức để siêu độ vong linh”.

Làng nghề vàng mã kiếm bội tiền ngày rằm tháng 7
Làng nghề vàng mã kiếm bội tiền ngày rằm tháng 7

Còn Thượng toạ Thích Thanh Nhã, trụ trì chùa Trấn Quốc (Hà Nội) cũng khẳng định rằng, kinh Phật không dạy đốt vàng mã cho người quá cố. Bản thân trụ trì cũng thường xuyên nhắc nhở Phật tử nên hạn chế đốt vàng mã. Theo ông thì nên dùng tiền mua vàng mã đốt để làm việc thiện cho đời sẽ tốt hơn rất nhiều.

Kết luận

Qua những phân tích trên, dễ thấy là tục lệ đốt vàng mã ngày càng biến tướng theo chiều hướng xấu, trở thành mê tín dị đoan, để rồi từ đó nhiều người quên không chăm lo ông bà cha mẹ lúc sống, mà đến khi chết rồi lại hóa rất nhiều nhà lầu xe hơi, cũng không biết những người thân đó có nhận được không, có được coi là báo hiếu gia tiên không? rồi đi đền đi chùa, đốt thật nhiều vàng mã với hi vọng đốt nhiều thì được nhiều!? Suy nghĩ ăn mày cửa phật như vậy thật đáng lo ngại. Hãy luôn nhớ “ở hiền gặp lành” hãy luôn làm những việc thiện, bố thí từ bi, dùng số tiền lãng phí cho vàng mã để làm việc thiện thì hẳn sẽ được nhiều phước báo. Và hơn hết, nếu ông bà cha mẹ còn sống, hãy cố gắng chăm lo tốt cho họ, chứ đợi cha mẹ chết rồi thì chẳng còn cơ hội báo hiếu nữa đâu!

Nếu vẫn thấy mông lung về tư tưởng của phật giáo, hãy đọc thêm bài viết này:

Phật tại Tâm – Tin Phật mà không hiểu Phật là phỉ báng Phật

Nguồn: Tổng hợp – Biết tuốt.info

4.9/5 (10 Đánh giá)

Bài viết cùng chủ đề: