Tết Hàn Thực – Tiết lộ những điều mà không phải ai cũng biết

Tết Hàn Thực là gì? Tết Hàn Thực có ý nghĩa gì? Tết Hàn Thực có phải là Tết Thanh Minh không? Mọi người làm gì vào ngày Tết Hàn Thực? Tết Hàn Thực xuất hiện từ bao giờ? Hãy cùng Biết Tuốt khám phá qua bài viết dưới đây!

Tết Hàn Thực xuất hiện từ bao giờ?

Trước hết phải nói, Tết Hàn Thực hay tết 3/3 là một phong tục đã lưu truyền từ nhiều đời nay trong đời sống dân tộc ta, “Hàn Thực” theo tiếng Hán có nghĩa là Thức ăn lạnh, hiểu nôm na là ngày mà tất cả mọi người ăn đồ ăn nguội, lạnh. Tết Hàn Thực được diễn ra vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm, và nguồn gốc ra đời của nó là cả 1 câu chuyện ý nghĩa, câu chuyện đó như sau:

Chuyện kể rằng vào đời Xuân Thu (770 – 221), Vua Tấn Văn Công nước Tấn gặp loạn nên phải bỏ nước lưu vong sống cảnh nay trú nước Tề, mai ở nước Sở. Một hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi theo phò Vua trên đường lánh nạn lẩn trốn, lương thực cạn kiệt đã phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng Vua. Vua ăn xong, hỏi ra mới biết chuyện nên đem lòng cảm kích vô cùng.

Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi vương, phong thưởng rất hậu cho những người có công phò tá nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi không kêu ca oán giận gì, mà lặng lẽ về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Tấn Văn Công mãi về sau mới nhớ ra, cho quân đi khắp nơi tìm Giới Tử Thôi về để trọng thưởng. Nhưng vì là người không tham danh vọng tiền tài nên Giới Tử Thôi nhất quyết ở ẩn mà không quay về lĩnh thưởng.

Nguồn gốc tết hàn thực
Nguồn gốc tết hàn thực

Khi triệu về không được, Vua Tấn Văn Công nghĩ rằng chỉ có cách đốt khu rừng đó để ép mẹ con Giới Tử Thôi buộc lòng phải chạy về. Không ngờ Giới Tử Thôi vẫn khí khái, quyết chí không chịu về, hai mẹ con cùng ôm một gốc cây chịu chết cháy trong rừng.

Tấn Văn Công vô cùng đau lòng, thương xót, ân hận vì đã dùng hình thức cường bạo để đối xử với hiền nhân nên đã sai người chặt cái gốc cây cháy dở mà Giới Tử Thôi đã ôm khi tuẫn tiết về đẽo thành đôi guốc.

Hàng ngày luôn tâm sự với đôi guốc và thường kêu “túc hạ, túc hạ” đồng thời cho lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải để tang 3 ngày (quốc tang) và trong 3 ngày đó phải kiêng đốt lửa (kỵ lửa), chỉ ăn đồ nguội nấu sẵn từ hôm trước để tưởng niệm Giới Tử Thôi.

Cũng từ đó, ngày mùng 3/3 đến ngày 5/3 âm lịch hằng năm được coi là Tết Hàn Thực. Theo nghĩa chữ Hán, “Hàn” là lạnh, “thực” là ăn. Tết Hàn thực có ý nghĩa là ngày Tết ăn đồ lạnh.

Tết Hàn Thực của Việt Nam khác gì ở Trung Quốc?

Mặc dù nguồn gốc là như vậy, nhưng khi phong tục này du nhập sang Việt Nam nó đã được điều chỉnh cho phù hợp với tập quán của dân tộc ta.

Khi nước ta bị hàng nghìn năm Bắc thuộc, thì đương nhiên nền văn hóa cũng bị lệ thuộc và du nhập, trong đó có lễ “Tết Hàn Thực”. Mặc dù có nguồn gốc từ Trung Quốc cổ đại, nhưng Tết Hàn thực của người Việt không phải để tưởng nhớ đến Giới Tử Thôi, mà mang ý nghĩa hoàn toàn khác.

Ở Trung Quốc, người ta chỉ cần nghi thức “cấm lửa “ là chủ yếu, còn thức ăn đương nhiên là những món “đồ nguội” do không được nổi lửa đun nấu. Còn ở Việt Nam, cùng ngày tết ấy, người ta lại khấn thờ trời đất, thần linh và gia tiên tiền tổ.

Các đồ cúng tượng trưng cho lễ nghi truyền thống, đó là trầu cau rồi bánh trôi, bánh chay (tượng trưng cho trời đất, thần linh và tổ tiên, thân quyến), có mâm hoa quả nhiều màu sắc (thường từ 5 đến 7 màu), có ngọn đèn, chén nước trong, hương, hoa,…

Vì vậy, người Việt Nam thường goi tết 3/3Tết bánh trôi bánh chay. Và cũng trong dịp này, dù ai đi đâu, ở đâu đến ngày này cũng cố gắng về với gia đình để đi tảo mộ, cùng nhau ngồi bên mâm cơm sum họp.

Tết Hàn Thực Việt Nam để tưởng nhớ về tổ tiên
Tết Hàn Thực Việt Nam để tưởng nhớ về tổ tiên

Tết Hàn Thực và tết Thanh Minh có phải là một không?

Nhiều người cho rằng Tết Hàn Thực và Tết Thanh Minh là một. Điều này là không đúng, Đây là 2 ngày tết hoàn toàn khác nhau, với ý nghĩa khác nhau.

Mặc dù có những năm Tết Thanh Minh trùng với tết Hàn Thực (vào ngày 3/3) nhưng Tết Hàn Thực và Tết Thanh Minh là 2 ngày lễ hoàn toàn có ý nghĩa khác nhau.

Tết Thanh Minh thực tế cũng có nguồn gốc từ Trung Quốc, qua quá trình du nhập đã thay đổi cho phù hợp với văn hóa Việt Nam.

Tiết Thanh Minh thực chất là một trong 24 tiết hàng năm. Tiết Thanh Minh bắt đầu từ ngày 4 hoặc 5 tháng 4 dương lịch tới 20 hoặc 21 tháng 4 dương lịch. Thanh Minh là âm Hán, dịch nghĩa thì Thanh là trong, Minh là sáng, Tiết Thanh Minh là khoảng thời gian khí trời trong sáng, thanh khiết, bầu trời quang đãng, mới mẻ. Tiết Thanh Minh kéo dài khoảng 15-16 ngày, ngày đầu của tiết Thanh Minh thì người ta chọn làm Tết Thanh Minh.

Như vậy, kể từ khi lập xuân đến Tiết Thanh Minh khoảng 60- 61 ngày. Năm nay, ngày đầu của Tiết Thanh Minh rơi vào 4 tháng 4 dương lịch. Bắt đầu từ ngày này, mọi người thường tổ chức lễ tảo mộ du xuân, kết hợp giữa việc cúng lễ tỏ lòng hiếu kính với ông bà tổ tiên.

Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên cho sạch sẽ. Người ta mang theo xẻng, cuốc để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ cũng như tránh không để cho các loài động vật hoang dã như rắn, chuột đào hang, làm tổ…

Tết thanh minh của người Việt
Tết thanh minh của người Việt

Sau đó, người tảo mộ thắp vài nén hương, hoặc đặt thêm bó hoa cho linh hồn người đã khuất. Trong ngày Thanh minh, khu nghĩa địa trở nên đông đúc và nhộn nhịp. Các cụ già thì lo khấn vái tổ tiên nơi phần mộ. Trẻ em cũng được theo cha mẹ hay ông bà đi tảo mộ, trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là để tập cho chúng sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ.

Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này để tảo mộ gia tiên và sum họp với gia đình. Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, chăm sóc cẩn thận, còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng. Những người đi viếng mộ thường cũng cắm cho các ngôi mộ này một nén hương.

Tết Hàn Thực và những điều không nên làm

Kiêng kỵ trong Tết Hàn thực
– Kiêng lửa: Thời xa xưa trong ngày Tết Hàn thực, mọi nhà không đốt lửa nấu thức ăn nóng mà chuẩn bị sẵn đồ ăn nguội. Tuy nhiên ngày nay, người Việt vẫn nấu nướng bình thường và dùng bánh trôi bánh chay với ý nghĩa tượng trưng đó là những thức ăn nguội (hàn thực).

– Kiêng chuyển nhà: Người Việt quan niệm rằng “trần sao âm vậy”, người thân thích sau khi qua đời thì vong linh của họ vẫn còn tồn tại theo sát người thân ở trên trần gian, việc di chuyển nhà cửa sẽ có ảnh hưởng tới “vong linh” người đã khuất. Bởi vậy nên trong ngày Tết Hàn thực (liên quan đến cả tiết Thanh minh) người Việt kiêng chuyển nhà.
– Kiêng ăn mặn: Trong những ngày đầu tháng 3 âm lịch, các gia đình thường kiêng ăn mặn và ăn chay để không sát sinh, linh hồn người thân đã khuất sẽ dễ dàng siêu thoát.

Những sắc thái đặc trưng trong Tết Hàn thực của người Việt

Vào ngày mùng 3 tháng 3 hàng năm, Tết Hàn thực của người Việt diễn ra với ý nghĩa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những người đã khuất thay vì tưởng nhớ Giới Tử Thôi như Tết Hàn thực ở Trung Quốc.
Nhiều nơi, người Việt còn làm bánh trôi bánh chay cúng thần hoàng trong ngày mùng 3 tháng 3 hay lệ dâng bánh trôi lễ Hai Bà Trưng vào ngày mùng 6/3, ngày giỗ tổ Hùng vương mùng 10/3…

Từ xa xưa, bánh trôi bánh chay đã đi vào thơ ca dân tộc như một món ăn đặc trưng. Bánh trôi nặn viên nhỏ, ngoài trắng, trong nhân đường đỏ, thả luộc trong nồi nước sôi, khi bánh nổi lên mặt nước vớt ra vừa chín tới. Còn bánh chay thì nặn tròn dẹt, không nhân, đặt lên đĩa nhỏ, khi ăn đổ nước đường lên trên.

Đồ ăn Tết hàn thực
Đồ ăn Tết hàn thực

Cả bánh trôi và bánh chay đều được làm từ bột gạo nếp, mang ý nghĩa vinh danh nền văn minh lúa nước từ lâu đời. Ngày này như một dịp để cả nhà quây quần ôn lại chuyện xưa tích cũ, chuyện một thời đã xa của dân tộc ta. Và những truyền thống này đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt, để rồi cứ đến ngày Tết Hàn Thực, người người nhà nhà lại nô nức chuẩn bị làm bánh trôi, bánh chay.

Mặc dù có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng Tết Hàn thực của người Việt vẫn mang những sắc thái riêng. Đây là một dịp để người Việt hướng về nguồn cội, tưởng nhớ ân đức tổ tiên. Vào ngày này, người Việt không kiêng lửa, vẫn nấu nướng bình thường. Điều đặc biệt, người Việt còn sáng tạo nên bánh trôi, bánh chay là những thức ăn nguội tượng trưng cho Tết Hàn thực. Ngoài bánh trôi và bánh chay, các gia đình cũng có thể mua thêm hoa quả và các thứ bánh trái khác. Sau khi bày lễ lên ban thờ, các gia đình thường thắp hương và khấn gia tiên theo Bài cúng Tết Hàn thực được lưu truyền từ xưa đến nay.

Nguồn: Tổng Hợp

Xem thêm:

5/5 (37 Đánh giá)

Bài viết cùng chủ đề: